Rộn ràng tiếng mõ giữ nhịp thuyền đua trên sông Nhật Lệ
(Tổ Quốc) - Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9), người dân cả huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) háo hức với lễ hội đua thuyền truyền thống trên dòng sông Nhật Lệ. Dịp này, du khách thập phương, con em quê hương Quảng Ninh sinh sống, học tập ở mọi miền Tổ quốc lại náo nức, mong chờ được trở về, được tham gia và cổ vũ cho lễ hội ấn tượng này…
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa và hoạt động thể thao của người dân huyện Quảng Ninh, được khơi nguồn và phát triển từ hơn 500 năm nay để "cầu cho mưu thuận, gió hòa, Nhân dân an lành, hạnh phúc".
Trải qua những giai đoạn lịch sử của dân tộc, của vùng đất, Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện cũng đi qua những bước thăng trầm, phát triển và biến đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc địa phương.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ do huyện Quảng Ninh tổ chức hàng năm chính là sự tiếp nối giá trị truyền thống văn hóa mà cha ông để lại. Đảng bộ và Nhân dân huyện Quảng Ninh cam kết luôn giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với ý nghĩa vốn có của Lễ hội, hàng năm tổ chức Lễ hội trang trọng, vui tươi, phấn khởi thực sự trở thành dịp sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa, là nơi chốn đi về của đông đảo Nhân dân cùng bạn bè du khách thập phương.
Ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình
Hàng năm Lễ hội đua thuyền truyền thống này được tổ chức với không khí sôi nổi, đoàn kết, thân ái, hào sảng và đầy tinh thần thượng võ. Lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách, nhân dân huyện nhà, con em quê hương đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền Tổ quốc về đón xem, cổ vũ, động viên và để lại ấn tượng tốt đẹp.
Có thể khẳng định rằng, Lễ hội đua thuyền truyền thống có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân huyện Quảng Ninh. Thông qua những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, có quy mô lớn, thu hút đông đảo cộng đồng và du khách tham dự, không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Quảng Ninh đã được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia đánh dấu một bước đổi mới trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, tốt đẹp của người dân huyện nhà; đưa các giá trị văn hóa ngày càng phát triển phục vụ đời sống cộng đồng, phục vụ công cuộc đổi mới của quê hương, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
Hoạt động này cũng nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần tự hào về truyền thống văn hóa của bà con nhân dân.
Năm 2023, Lễ hội Đua thuyền truyền thống được tổ chức thành chuỗi sự kiện với các nghi lễ rước nước thiêng từ Giếng Tiên núi Thần Đinh, dâng hương, cầu siêu, thả đèn hoa đăng, tổ chức Chương trình nghệ thuật và khai mạc triển lãm thành tựu phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh sau 33 năm tái lập huyện.
Tham gia lễ hội có 18 thuyền đua của 13 xã, thị trấn gồm có: 12 thuyền Nam và 6 thuyền nữ với 420 vận động viên. Thuyền đua nữ tham gia thi đấu một lượt; đối với thuyền đua nam căn cứ các kết quả thi đấu vòng bảng đã chọn ra các đội xếp hạng A và hạng B để tham gia thi đấu vòng chung kết.