• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sắc lệnh 65 ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa

Văn hoá 18/11/2021 07:40

(Tổ Quốc) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đã bắt tay ngay vào quá trình quản lý đất nước trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài và đối mặt với muôn vàn khó khăn về nhiều mặt, bằng cách ban hành kịp thời các sắc lệnh điều chỉnh rất nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau.

Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã được Người cụ thể hóa bằng việc ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh được ban hành vào thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn với giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, điều đó càng thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sắc lệnh 65 (23/11/1945) - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 1.

Sắc lệnh 65 (23/11/1945) - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa

Tập Sắc lệnh gồm 117 Sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành từ 30/8/1945 đến ngày 28/2/1946 đã được công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Sắc lệnh số 65/SL khẳng định việc bảo tồn cổ tích "là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam" (khái niệm "cổ tích" trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể). Sắc lệnh ghi rõ:

"Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa

Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam.

Xét rằng Đông Phương Bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.

RA SẮC LỆNH

Điều thứ nhất: Đông Phương Bác cổ Học viện (Việt Nam Oriental Institute) có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam

Điều thứ hai: Đông Phương Bác cổ Học viện từ nay sẽ thay Pháp quốc Viễn đông Bác cổ học viện (École Francaise d'Extrême-Orient) bãi đi.

Điều thứ ba: Những luật lệ về việc bảo tồn cổ tích vẫn để nguyên như cũ.

Điều thứ tư: Cấm phá hủy những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn.

Điều thứ năm: Chính phủ vẫn công nhận nguyên tác những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác Cổ học viện. Khi dự thảo ngân sách cho toàn quốc, cho từng kỳ hay từng tỉnh, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, ông Ủy viên tài chính của mỗi kỳ hay của mỗi tỉnh phải dự tính khoản trợ cấp cho Đông Phương Bác cổ học viện.

Điều thứ sáu: Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc gia giáo dục chiểu sắc lệnh này thi hành."[1]

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa. Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa, đó là những báu vật kết tinh tư tưởng, tài năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa. Bởi di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc, để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.

Trước khi có Sắc lệnh 65, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa. Ngày 13/9/1945, Người về thăm và dự Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế (8 vị vua họ Lý) tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong không khí trang nghiêm, Hồ Chủ tịch kính cẩn nghiêng mình dâng hương tưởng niệm 8 đức vua triều Lý. Sau đó, Người ân cần nói chuyện với đồng bào và căn dặn: "đi lễ cốt ở lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý…". Người mong "Đình Bảng cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng".[i]

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Đền Hùng. Đây là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc, nơi gắn với hình ảnh "Con Lạc cháu Hồng"; nơi mà mỗi người dân Việt Nam luôn coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, dòng giống của dân tộc. Tại Đền Giếng, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, chỉ vẻn vẹn hai câu mà khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: "Dựng nước phải đi đôi với giữ nước".

Sắc lệnh 65 (23/11/1945) - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong - Sư đoàn 308 chuẩn bị tiếp quản thủ đô ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng, Phú Thọ (ảnh tư liệu)

Ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm di tích Côn Sơn. Sau khi thắp hương tại Tổ đường chùa Côn Sơn, Bác Hồ đã dừng lại bên tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi", dịch và giảng giải về nội dung của tấm bia, nhắc nhở mọi người cần trân trọng những giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Bác đã leo núi Côn Sơn, tới Thanh Hư Động và dừng chân ở Thạch Bàn - nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy ngẫm việc nước. Tại mảnh đất lịch sử này, Người căn dặn: "Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ". Lời căn dặn của Bác cho chúng ta thấy rõ hơn về một lãnh tụ luôn quan tâm tới công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, luôn nhớ về cội nguồn lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Khi bàn về âm nhạc dân tộc với nghệ sĩ Đinh Thìn, Bác dặn dò: "Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên... Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc"[2]. Nghệ sĩ tuồng Nguyễn Nho Túy đã không ngờ cái nghề diễn tuồng trước đây bị xem là "xướng ca vô loài" lại được Bác Hồ và các đồng chí Trung ương ngồi xem trân trọng đến thế… "Bác còn bước lên sân khấu bắt tay anh chị em tôi, lại ân cần dặn dò: "Nghệ thuật của cha ông ta hay lắm, tốt lắm! Cố mà giữ gìn".[3] Âm nhạc dân tộc đã đi vào tâm hồn và tình cảm của Bác ngay từ thời thơ ấu, Người vẫn nhớ đinh ninh những làn điệu, những câu hát dân gian ở quê nhà. Xúc động biết bao trong khoảnh khắc cuối cùng của đời người, Bác muốn nghe một khúc dân hát dân ca. Ước nguyện bình dị của Người ẩn chứa cả một tinh thần nhân văn cao đẹp, trong tinh thần ấy là quê hương, là nguồn cội.

Sắc lệnh 65 (23/11/1945) - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi tại Côn Sơn ngày 15/2/1965 (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm tới việc xây dựng bảo tàng, bởi nơi đây chính là trường học tốt về lịch sử, đích thân Người đã đến duyệt lại nội dung trưng bày Viện Bảo tàng cách mạng trước ngày mở cửa. Người cho rằng: "Viện Bảo tàng Cách mạng cũng giống như một cuốn sử cho ta thấy rõ ông cha ta đã khó nhọc như thế nào mới xây dựng nên đất nước tươi đẹp như ngày nay…"[4]; "Nếu mọi người học tập thấm nhuần tinh thần anh dũng và chí khí kiên cường, học được ở Viện Bảo tàng, mà quyết tâm làm đúng chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, thì chúng ta nhất định thắng lợi trong mọi việc"[5].

Nước ta có một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, trải dài từ Bắc chí Nam. Hàng chục di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, đã được UNESCO công nhận, trở thành tài sản của thế giới. Con người có thể xây dựng nên rất nhiều công trình mới, nhưng không thể tạo ra di sản, vì di sản là quá khứ, là lịch sử. Đó chính là những báu vật, cần được đặc biệt bảo vệ, giữ gìn. Ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là "Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam", đây cũng chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc Lệnh 65. Dù Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người mãi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thời gian càng lùi xa tư tưởng của Người càng sáng mãi./


[1] Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1946, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, H.2017, tr.120.

[2] Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Tác phẩm mới, H.1985, tr.229.

[3] Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 4, Nxb Hội Nhà Văn, H.2012, tr.304

[4] Hồ Chí Minh - Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.6

[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.256

[i] Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bắc Ninh, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, H.2019, tr.12.

Cao Thanh Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ