• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân khấu cần những vở diễn mang hơi thở thời đại, những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng mảng miếng hấp dẫn, mới lạ

Văn hoá 12/01/2023 07:40

(Tổ Quốc) - Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về nghề viết kịch bản sân khấu, tác giả Lê Thế Song cho biết: "Khán giả ngày nay cần những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ".

Nhà viết kịch Lê Thế Song là "hiện tượng" của sân khấu truyền thống khi sở hữu cả "gia tài" kịch bản được dàn dựng. Mảng đề tài tâm đắc của anh là dân gian, dã sử… một mảng đề tài tưởng như khó "chào hàng" nhưng lại được các nhà hát và các đoàn nghệ thuật sân khấu cả nước đón nhận dàn dựng. Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về nghề, anh cho biết: "Khán giả ngày nay cần những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ".

Sân khấu cần những vở diễn mang hơi thở thời đại, những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng mảng miếng hấp dẫn, mới lạ - Ảnh 1.

Tác giả Lê Thế Song

+ Vì sao anh lại lựa chọn viết kịch bản chuyên nghiệp cho sân khấu truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo trong khi rất nhiều hình thức sân khấu khác có thể mang lại nhuận bút hay thù lao cao hơn?

- Tác giả Lê Thế Song: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có chiếu chèo nổi tiếng Làng Ngò. Tuổi thơ tôi thấm đẫm trong câu hát chèo của các cụ, các ông bà và những hình mẫu nhân vật trong các tích chèo cổ, đó là lý do tôi lựa chọn sân khấu truyền thống, đặc biệt là chèo như một điều hiển nhiên. Trong quá trình 15 năm làm truyền thông với công việc sáng tác kịch ngắn, tiểu phẩm, ca khúc đồng hành cùng các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế như: YWAM (Mỹ); Oxfam Hongkong; Oxfam Anh; Quỹ Nhi đồng Anh (Save the Children UK); Allianz-Mision (Đức); Healthright International (Mỹ); ADB và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Bỉ COHED, Cục Phòng chống HIV/AIDS…, có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên cả nước, tôi càng thấy chèo là một nghệ thuật thuần Việt, rất cần được bảo tồn, phát triển. Năm 2011, tôi và vợ tôi, thạc sĩ Xuân Hồng cùng quyết định thi vào Khoa Biên kịch kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (sau 8 năm mới có một lớp được tổ chức). Được các thầy đầu ngành của sân khấu truyền thống rèn dũa, tôi đã nắm được trình thức và lề lối sáng tác kịch bản để rồi tự tin viết kịch bản cho sân khấu chèo. Sau đó, tôi cũng mạnh dạn tham gia các bộ môn nghệ thuật kịch hát khác như cải lương, tuồng, dân ca và viết cả kịch bản kịch nói, kịch bản lễ hội…

+ Rất nhiều tác phẩm của ông đã giành được giải thưởng cao. Phần lớn trong số đó là mảng đề tài văn học dân gian, dã sử, một mảng đề tài mà thường bị coi là không mới. Điều gì khiến tác phẩm của ông lại trở nên "đắt hàng"?

- Tác giả Lê Thế Song: Mảng đề tài văn học dân gian Việt Nam trong chèo vô cùng quý giá, đơn cử như Nhà hát Chèo Việt Nam dựng lại vở Quan Âm Thị Kính đã trở thành hiện tượng khi có rất nhiều khán giả hào hứng mua vé đến xem. Có thể thấy trong một vở chèo các cụ đã rất giỏi khi tạo nên những mảng trò cực hay và nó có thể đứng độc lập như Thị Màu lên chùa, Xã trưởng - Mẹ Đốp… Tôi đã nghiên cứu về các vở chèo cổ rất kỹ, học lề lối trình thức sắp xếp trò cũng như tư duy sáng tác chèo chú trọng tới đặc trưng ước lệ, tư duy huyền thoại, tư duy thơ để sáng tác kịch bản của mình. Ngay cả khi viết đề tài hiện đại thì chất dân gian vẫn thấm đẫm trong vở diễn. Tôi vẫn nhớ thầy Trần Đình Ngôn đã nhắc chúng tôi phải học cách làm thơ lục bát và văn biền ngẫu, những yếu tố quan trọng cần thiết khi sáng tác chèo. Theo tôi, có ba yếu tố quan trọng là trò, tích và tính nhân văn, đó là những thứ để khán giả chấp nhận và đón nhận tích cực.

Sân khấu cần những vở diễn mang hơi thở thời đại, những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng mảng miếng hấp dẫn, mới lạ - Ảnh 2.

Vở Nguyễn Văn Cừ tuổi nhỏ chí lớn của tác giả Lê Thế Song

+ Hiện nay, sân khấu đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề kịch bản. Theo anh, cần điều gì để có những tác giả trẻ dấn thân cho sáng tạo sân khấu?

- Tác giả Lê Thế Song: Các bạn trẻ có sự đam mê phát triển. Tôi hy vọng tới đây đội ngũ tác giả viết cho kịch hát sẽ tăng lên. Yêu cầu đặt ra của văn hóa là giữ gìn di sản văn hóa không thay đổi. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ văn hóa là sức mạnh mềm, đặc biệt văn hóa bắt nguồn từ bản sắc dân tộc. Để giữ gìn yếu tố truyền thống trong sân khấu kịch hát là vô cùng gian nan. Phải hiểu không thể giữ mãi truyền thống cố định mà phải hài hòa truyền thống và phát triển theo hướng hiện đại. Vì vậy, người viết hiện nay cần có sự đổi mới về tư duy, vừa giữ được truyền thống, nhưng phải có tư tưởng hiện đại.

Tôi có viết kịch bản chèo về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, có lớp diễn rất hay, sử dụng giữa Quan họ bắc Ninh và Chèo được khán giả rất yêu thích. Nhà hát Chèo Quân đội vừa ra mắt vở Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn (Tác giả Lê Thế Song, đạo diễn; Đại tá, NSND Vũ Tự Long). Thêm một lần hình tượng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng rõ nét với vai trò nhà lý luận xuất sắc, nhà chính trị tài năng, một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng.

Hay như tôi được biết, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh dựng vở kịch hát Quan họ "Trương Chi", đó là sự kết hợp giữa truyền thống và phát triển được hiện đại. Hoặc ví dụ tại Liên hoan sân khấu toàn quốc, vở diễn kết hợp táo bạo giữa cải lương và xiếc như vở Thượng thiên thánh mẫu… Nói như vậy để thấy rằng, người viết phải am hiểu về các đặc trưng của từng loại hình sân khấu truyền thống, người viết ra các làn điệu phải có sự am hiểu khá tốt về trình thức lề lối. Người viết sân khấu không thể tự nhiên viết 1 vở kịch mà hay ngay được. Cần có trình độ, biết được kết cấu của vở kịch hát truyền thống khác với kịch nói ra sao…

Sân khấu cần những vở diễn mang hơi thở thời đại, những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng mảng miếng hấp dẫn, mới lạ - Ảnh 3.

Người viết kịch bản kịch hát dân tộc ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống

+ Làm mới nghệ thuật sân khấu truyền thống là vấn đề không nhỏ, đổi mới bằng cách kết hợp truyền thống với hiện đại vào cùng một tác phẩm càng là thách thức lớn, trước hết với chính tác giả…?

- Tác giả Lê Thế Song: Đúng vậy. Ở đây người viết phải am hiểu trình thức, lề lối, giai điệu, khúc thức của Chèo, Quan họ, Cải lương, Tuồng… chưa kể mỗi bộ môn lại có đặc trưng, bút pháp, văn phong riêng. Giữa ranh giới tương đồng và khác biệt, người viết kịch bản kịch hát dân tộc ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống. Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi.

Sân khấu cần những vở diễn mang hơi thở thời đại, những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng mảng miếng hấp dẫn, mới lạ - Ảnh 4.

Tác giả Lê Thế Song và vợ- Xuân Hồng, con gái của nhà viết kịch Hoàng Luyện

+ Trong khi đang khan hiếm những tác giả sân khấu nhưng dường như với Lê Thế Song không phải là như vậy, khi các kịch bản đã được dàn dựng lên tới con số gần trăm?

- Tác giả Lê Thế Song: Bản thân tôi đã kinh qua nhiều nghề, kể cả bốc vác, thợ hồ, đãi vàng... Cuộc sống khốn khó thời trẻ cho tôi nhiều trải nghiệm. Từ bé tôi đã yêu nghệ thuật. Trước khi học biên kịch, tôi đi từ Bắc vào Nam để thực hiện các chương trình truyền thông về nghệ thuật cho các tổ chức phi chính phủ. Có thời điểm, Việt Nam thu hút 600-700 tổ chức phi chính phủ, tôi ký hợp đồng truyền thông dự án cho họ và tự viết kịch bản, bài hát, biên đạo múa, làm đạo diễn các chương trình nghệ thuật để biểu diễn tại các xã, huyện… trong cả nước. Điều đặc biệt là trên các chuyến đi ấy luôn có vợ tôi, Thạc sĩ Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật) đồng hành. Chúng tôi vừa làm việc, vừa tham gia góp ý những sáng tác và cả các chương trình do tôi viết hoặc dàn dựng. Việc đi nhiều đã giúp tôi có thêm nhiều vốn sống, trải nghiệm với di sản văn hóa ở từng mảnh đất đi qua, và rồi càng yêu, càng gắn bó với những làn điệu dân ca, sân khấu dân tộc. Tôi thấy rằng, với các lễ hội văn hóa, du lịch các địa phương làm theo hình thức sân khấu hóa nếu biết tìm tòi, am hiểu kỹ về lịch sử, về nét đặc sắc của từng lễ hội thì việc kể câu chuyện lễ hội bằng hình thức này sẽ rất hay và hấp dẫn.

+ Theo anh, sân khấu hiện nay cần làm gì để thu hút khán giả?

- Tác giả Lê Thế Song: Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin. Các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ quá nhiều sự lựa chọn, trong khi đó sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ rích thì họ không thích là điều dễ hiểu. Theo tôi, muốn đổi mới, trước hết chúng ta cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ.

+ Xin cảm ơn anh!

Tác giả Lê Thế Song (sinh ngày 13/ 4/1969) tại Đức Lý – Lý Nhân – Hà Nam. Anh là Thạc sỹ Nghệ Thuật, Đại học sân khấu điện ảnh- Khoa biên kịch, kịch hát dân tộc. Anh có khoảng 50 kịch bản sân khấu đã được dàn dựng. Anh sở hữu nhiều Huy chương Vàng, Bạc của các Liên hoan Chèo, Cải lương...

Hồng Hà (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ