• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân khấu kịch nói cần đổi mới để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại

Văn hoá 23/10/2021 18:29

(Tổ Quốc) - Ngày 23/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà nghiên cứu sân khấu cùng đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật.

Sân khấu kịch nói cần đổi mới để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại - Ảnh 1.

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà nghiên cứu sân khấu cùng đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Trước khi có kịch nói Việt Nam, sân khấu Việt Nam vốn chỉ có những loại hình sân khấu truyền thống: chèo, tuồng, cải lương, rối nước… Riêng thể loại kịch du nhập từ Pháp đến nay đã gần 100 tuổi. Đây là kết quả từ sự “hợp hôn” giữa sân khấu Việt Nam truyền thống và sân khấu phương Tây.

Nửa đầu thế kỷ XX, kịch nói tồn tại với sự tài tử, nghiệp dư ở mọi phương diện như: kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, thưởng thức. Sự tài tử này chỉ chấm dứt sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền bắc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt tay ngay vào chuyên nghiệp hóa thể loại kịch Việt Nam, cử người đi học để được đào tạo chính quy. Sân khấu Việt Nam hiện đại vì thế trở thành nền sân khấu được chuyên nghiệp hóa, có thời kỳ phát triển hoàng kim ở thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, sân khấu sáng đèn hàng đêm, người xem chật kín rạp.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, sân khấu Việt nói chung, sân khấu kịch nói riêng đã rơi vào khủng hoảng người xem và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh ấy, hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam nhằm ôn lại chặng đường lao động sáng tạo của sân khấu kịch nói Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển mới của sân khấu kịch nói sau đại dịch.

Sân khấu kịch nói cần đổi mới để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia. Các tham luận đều khẳng định nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam tuy ra đời muộn so với thế giới nhưng đã tiếp thu được những tinh hoa, thi pháp mà các nền kịch nhân loại đã tích lũy được. Nghệ thuật kịch Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát triển thành nền kịch chuyên nghiệp, hoàn thiện, hiện đại, hữu ích, có tính dân tộc, khoa học và đại chúng; có sự phong phú về đề tài, chủ đề, thể tài với nhiều hình thái sinh động như sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu nhà nước, sân khấu xã hội hóa…

Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng đã thẳng thắn nêu bật những thách thức đối với vấn đề phát triển kịch nói Việt Nam hôm nay như: hiện trạng thiếu vắng khán giả; hình thái và nội dung cũ kỹ, đặc biệt là thiếu đề tài đương thời của cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế…

Tại Hội thảo, PGS, TS Trần Trí Trắc nêu bật một số vấn đề mang tính giải pháp để sân khấu kịch Việt Nam có thể phát triển vững vàng thời gian tới. Đó là: cần có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch đào tạo khán giả tiềm năng; đào tạo tác giả, mở trại sáng tác theo hình thức mới hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao lưu sân khấu quốc tế, nhất là với các nước theo cơ chế thị trường để học tập, rút kinh nghiệm; đào tạo đạo diễn, diễn viên ở các nước có nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến; xây dựng cơ chế đặc thù cho nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng…

Sân khấu kịch nói cần đổi mới để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng: Công tác đào tạo các loại hình nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng cần chú trọng được nâng cao chất lượng học viên, sinh viên và đào tạo tác giả kịch bản.

"Với diễn viên phải được trang bị đầy đủ kỹ năng, để khi tốt nghiệp có thể lên sân khấu ngay. Nguồn kịch bản đang thiếu và yếu trong khi việc đào tạo viết kịch bản cực kỳ khó khăn và vất vả, nguồn nhân lực thiếu, tuyển sinh cực kỳ khó khăn. Trong khi đây là nền tảng để phát triển nghệ thuật sân khấu, phim... "- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng chia sẻ với những khó khăn mà các nhà hát, đơn vị nghệ thuật đang đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, sân khấu kịch nói nói riêng và sân khấu nói chung phải chú trọng áp dụng những kỹ thuật mới không chỉ về công nghệ ánh sáng, âm thanh mà còn là cách thức tiếp cận, dàn dựng để có những tác phẩm mang hơi thở thời đại. Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp các đơn vị nghệ thuật nước ngoài cần được đẩy mạnh để tạo cơ hội cọ xát, giao lưu và học hỏi những điểm mới, phát triển kỹ năng sáng tạo nghệ thuật; tăng cường công tác xã hội hóa sân khấu để tập trung được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm đầu tư các tác phẩm sân khấu chất lượng đỉnh cao.

Thứ trưởng cũng thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa đề án giáo dục học đường vào Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, Bộ cũng đang lên kế hoạch để triển khai chương trình lớn để các tác phẩm của các nhà hát được phổ biến, lưu diễn trong năm 2022. Đây là những nỗ lực nhằm đưa nghệ thuật sân khấu bám sát hơn với thị trường, đến với khán giả nhiều hơn…/.

Hồng Hà- ảnh: Hòa Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ