(Tổ Quốc) - Tìm hướng đi riêng, chọn những loại giấy truyền thống của Việt Nam như giấy dó, giấy dướng, giấy nhiễu… để sáng tạo thành các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống là cách Đoàn Thái Cúc Hương bảo tồn và phát triển giấy truyền thống.
Sáng tạo từ giấy truyền thống
Đã có những quãng thời gian, nghề làm giấy thủ công truyền thống như giấy dó, giấy dướng… dường như có nguy cơ thất truyền bởi sự lấn át của giấy công nghiệp. Nhưng giờ đây, chúng đang trở lại cùng với sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công. Một trong số họ, là cô thợ trẻ Đoàn Thái Cúc Hương ở Hà Nội, bằng niềm đam mê của mình đã giúp cho giấy thủ công truyền thống nhập cuộc với cuộc sống hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng da dạng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với giấy truyền thống, Cúc Hương chia sẻ: "Tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với dòng giấy cổ truyền. Tình yêu bắt đầu từ khi tôi tham gia vào buổi workshop làm hoa khô trên giấy, khi được cầm một tờ giấy dó, tôi đã phải thốt lên "Ồ, sao Việt Nam lại có loại giấy đẹp như thế này được?". Cái tờ giấy ram ráp, có màu trầm cùng những đường vân lạ mắt đã thu hút tôi như thế".
"Sau khi học về, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm và biết được đấy là giấy thủ công của Việt Nam. Nhưng tôi nhận thấy tính ứng dụng về sản phẩm hạn chế, cũng có một vài nơi làm sản phẩm thủ công từ những tờ giấy này mà chưa đến độ tinh xảo. Hơn nữa, thế hệ trẻ bây giờ cũng ít người quan tâm đến giá trị truyền thống và nghệ thuật dân gian nên tôi đã trăn trở và tự hỏi sao mình không suy nghĩ thêm để đưa các loại hình dân tộc tới gần mọi người hơn thông qua việc làm các sản phẩm từ giấy thủ công, để nhiều người biết hơn về chất liệu truyền thống này. Được sự động viên của bạn bè, năm 2021, tôi bắt đầu mày mò nghiên cứu sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng trên giấy truyền thống" – Cúc Hương cho biết thêm.
Tuy là một cô giáo dạy Tiếng Anh, không học về mỹ thuật nhưng chính việc gia đình làm đồ mỹ nghệ lâu năm đã giúp Hương rất nhiều. Việc quan sát công việc của gia đình từ nhỏ khiến Hương có năng khiếu vẽ và thiết kế sản phẩm. Cúc Hương chia sẻ: "Vì có bố là thợ mộc, nên từ bé, những đường nét hoa văn mang phong cách trang trí truyền thống "ngấm" vào tôi một cách tự nhiên. Vậy nên, tôi luôn luôn chú ý đến dòng sản phẩm truyền thống. Mỗi sản phẩm tôi thực hiện đều có những câu chuyện riêng gắn với văn hóa của từng vùng miền hoặc văn hóa của từng thời kỳ. Qua đó, vừa phục dựng lại văn hóa dân tộc vừa sáng tạo thêm để phù hợp với cuộc sống đương đại. Và sản phẩm đầu tiên tôi làm là chao đèn".
Bắt đầu với chao đèn, Cúc Hương đã mở ra một tiệm tạp hóa với các sản phẩm truyền thống mang nhiều ký ức tuổi thơ từ giấy dó, giấy dướng như sổ ghi chép, chiếc đèn cù, quạt mo, quạt gấp, quyển số khâu bìa từ vải rèm treo đầu giường của bà con dân tộc Thái, cuốn sổ mua lương thực thời bao cấp, hay phiếu bé ngoan…. Bên cạnh đó, tiệm tạp hóa này cũng mang màu sắc hiện đại với các sản phẩm đèn ngủ, đèn để bàn, phong bì, thiệp mời…
Để có thể làm được một sản phẩm thì khoảng thời gian lên ý tưởng theo Hương là lâu nhất, bởi phải lên trong đầu tất cả hình dáng, tỉ lệ kích thước sao cho chắc nhất rồi mới bắt tay vào làm để bị ít sai sót nhất. "Vì là sản phẩm thủ công, nên tôi luôn yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật nên mỗi sản phẩm tôi thường mất đến 2-3 tuần để hoàn thiện, thậm chí có những sản phẩm phải mất từ 1-2 tháng. Đặc biệt, các nguyên liệu tôi sử dụng hoàn toàn bằng tự nhiên, thân thiện với môi trường. Nếu như những thợ thủ công khác thường sử dụng màu nước, màu acrylic... thì tôi lại chọn sử dụng đất để vẽ và tạo màu cho các sản phẩm" - Cúc Hương nói.
Vẽ rồng nhân năm Thìn
Để chào mừng năm mới Giáp Thìn sắp đến, trong những ngày này, Cúc Hương đang nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm được lấy cảm hứng từ hình tượng con rồng để gửi đến công chúng.
Cúc Hương chia sẻ: "Với người Việt, rồng không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh vua chúa quyền uy, mà còn là vật linh trong tín ngưỡng văn hóa dân gian với nhiều gắn bó gần gũi cả về đời sống lẫn tâm linh. Người Việt vẫn luôn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên. Chính vì thế, đến với năm Giáp Thìn, nếu tôi không sáng tạo được sản phẩm nào, tôi rất tiếc".
Sản phẩm đầu tiên Cúc Hương chào mừng năm mới là bộ lịch "Song thời" được lấy ý tưởng từ Hoàng Thành Thăng Long và Ngọ môn Kinh thành Huế. Hai Thủ đô của những triều Đại xưa tại Việt Nam mà những di tích vẫn đang và đã được bảo vệ, phục dựng bởi Chính phủ. "Chỉ bằng những ý tưởng nhỏ dựa trên chất liệu cổ truyền, tôi mong muốn rằng sẽ phần nào đưa lại nét Cung đình, nét xưa tới công chúng" – Cúc Hương chia sẻ thêm.
Sau bộ lịch, Cúc Hương sẽ cho ra mắt bộ sản phẩm chao đèn gắn với hình tượng rồng của 5 thời Lý – Trần – Lê Sơ – Lê Trung Hưng – Nguyễn. Theo Cúc Hương chia sẻ: "Đây có lẽ là bộ sản phẩm mất nhiều thời gian nhất bởi từ lúc có ý tưởng cho đến khi tạo sản phẩm thật sự là một bài toán khó. Làm sao để đưa hình ảnh của loài vật thiêng liêng tới đời sống mà không phạm. Bởi các tư liệu trên giấy và màu sắc về rồng các thời thì gần như không còn, những mảnh ghép lịch sử còn sót lại chỉ là trên những bức phù điêu hay rất ít những tư liệu mà tôi tìm được. Và cái khó nhất, là phải vẽ làm sao để không giống với rồng của Trung Quốc, vì rồng của Việt Nam rất hiền và có uy. Nên vậy, tôi muốn người Việt được nhìn thấy hình ảnh rồng Việt Nam một lần nữa, đặc biệt trên nền giấy dó truyền thống và màu đất tự nhiên. Sau khi hoàn thiện xong chao đèn của 5 thời, tôi sẽ tiếp tục khai thác các sản phẩm khác như sổ, lì xì,… liên quan đến rồng".
Không chỉ sáng tạo đưa văn hóa Việt vào trong các sản phẩm giấy dó truyền thống, hiện nay, Đoàn Thái Cúc Hương đang cố gắng đưa nhà xưởng của mình trở thành một không gian văn hóa sáng tạo. Ở đó, bên cạnh giới thiệu những câu chuyện giấy dó, các sản phẩm từ giấy dó, các vị khách còn được tự tay làm đồ handmade bằng giấy dó, vẽ tranh bằng giấy dó...
"Tôi tin rằng, hoạt động của mình không chỉ thỏa mãn đam mê, sáng tạo, mà còn như một nét bút mảnh góp phần lan tỏa bức tranh chung về vẻ đẹp của giấy dó đến cộng đồng, đặc biệt các bạn trẻ. Qua đó, còn góp phần đưa sản phẩm thủ công Việt Nam vươn xa hơn nữa ra thị trường quốc tế" – Cúc Hương bày tỏ./.