(Tổ Quốc) - Vào ngày 15/5 tới đây, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Nghệ thuật và Diễn xướng nghi lễ chầu văn Đồng bằng Bắc bộ lần thứ 8 tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 71- Kim Mã - Hà Nội). Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân dân gian, thanh đồng đến từ các tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái… cho đến các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đắk Lắk…
Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, tôn vinh các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát văn, các thanh đồng đã có công gìn giữ bảo tồn phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần định hướng cho loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị văn hóa mang nhiều màu sắc tâm linh được đi đúng hướng của một di sản phi vật thể.
Thờ Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt Nam, nhất là cư dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ tính nhân văn, tính nghệ thuật và khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.
Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ chầu văn, ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh, được thần thánh hóa từ các nhân vật anh hùng có công với đất nước. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn.
Thông qua việc tôn vinh các bậc tiền nhân, người dân gửi gắm trong đó ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật nảy nở sinh sôi. Ở góc độ tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện nguyện vọng rất chân chính của con người là cầu mong sức khoẻ, bình an, công việc được thuận lợi, suôn sẻ.
Tại chương trình Nghệ thuật và Diễn xướng nghi lễ chầu văn Đồng bằng Bắc bộ lần thứ 8, ngoài việc giới thiệu và trình diễn giá trị đặc sắc của các giá hầu, chương trình còn là dịp để các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng, cung văn… từ khắp mọi miền giao lưu, học hỏi, làm phong phú hơn vốn kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Từng tham gia biểu diễn khá nhiều giá văn, thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền (Hà Nội) vẫn vô cùng háo hức khi nhận lời tham gia Nghệ thuật và Diễn xướng nghi lễ chầu văn Đồng bằng Bắc bộ lần thứ 8. Trước thềm chương trình, thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền chia sẻ: "Dù đạo Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng cho đến nay vẫn có không ít người chưa nhìn nhận hết giá trị đặc sắc của nó. Họ vẫn đánh đồng đây là hoạt động mê tín dị đoan nên khá dè dặt khi tiếp nhận. Điều này có một phần nguyên nhân từ những "con sâu làm rầu nồi canh", đưa tín ngưỡng thờ Mẫu biến tướng sang màu sắc thương mại, gây bức xúc trong xã hội và cả những người trong cuộc. Chính vì vậy mà thông qua các chương trình quy mô như thế này sẽ làm lan tỏa giá trị đích thực của nghi lễ chầu văn, giúp người dân nhìn nhận rõ nét hơn vẻ đẹp của đạo Mẫu. Cùng với đó, chương trình cũng mang đến sự gắn kết giữa các thanh đồng với nhau, giao lưu học hỏi để làm phong phú hơn kinh nghiệm và sự hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu".
Với hơn 20 năm theo nghiệp đồng, thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền có hàng trăm đệ tử khắp cả nước, thậm chí cả nước ngoài. Không chỉ hành đạo nhà thánh, cô còn kết nối đạo với đời, làm nhiều việc thiện ích cho cộng đồng. Nhiều năm qua, cô cùng các đệ tử của mình thường xuyên làm thiện nguyện. Khi thì đến trao quà cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, lúc hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Hay chăm lo đời sống cho các cụ cao niên ở viện dưỡng lão… Cô cho biết: "Thông qua các chương trình từ thiện, điều tôi hướng đến không đơn thuần là tặng quà mà thông qua đó để nuôi dưỡng, lan tỏa cái thiện đến đông đảo mọi người. Một người làm việc thiện sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người, làm cho xã hội ngày càng có nhiều hành động sẻ chia hơn", thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền nói.
Hiện nay, một trong những trăn trở, mong mỏi của thanh đồng Lê Thị Thanh Hiền là làm sao để các thanh đồng trẻ tiếp cận và lĩnh hội được những kiến thức của nghi lễ hầu đồng. Dù đạo Mẫu không có giáo trình cụ thể nhưng mỗi thanh đồng cần phải có sự nghiên cứu, tìm tòi để tự chắt lọc trong quá trình thực hành nghi thức hầu đồng. "Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay chịu tác động nhiều của đời sống văn hoá, xã hội nên nghi thức hầu đồng cũng có nhiều biến đổi. Chúng ta tiếp nhận cái mới nhưng phải có chắt lọc, lựa chọn để không làm mất đi bản sắc vốn có. Ví như, trang phục, khăn áo, đạo cụ trong các giá hầu có thể đẹp hơn, phong phú hơn nhưng nghi thức thì vẫn phải tuân theo lề lối của các cụ. Chẳng hạn, hầu giá quan hoàng là phải thể hiện ra nét uy nghi, mạnh mẽ. Giá chầu, chúa là tướng nghiêm trang, giá cô là đi đứng nhẹ nhàng, uyển chuyển… Rồi trước mỗi giá hầu là phải giữ giới để cơ thể được thanh lọc, bước vào cửa điện là phải nghiêm trang, như thế mà giữ được sự tôn nghiêm, linh thiêng của đạo Mẫu.
Gửi gắm mong muốn trong chương trình Nghệ thuật và Diễn xướng nghi lễ chầu văn Đồng bằng Bắc bộ sắp tới, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Đoan Trang (Hải Phòng) cho rằng: "Đây là cơ hội để bảo tồn, gìn giữ và làm trong sáng hơn tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, vì là tín ngưỡng dân gian được truyền khẩu, không hoàn chỉnh hệ thống kinh sách, không ai tổng kết thành giáo lý, giáo luận nên nhiều thanh đồng chưa hiểu rõ tường tận về tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể thì rất cần sự định hướng và đưa ra một quy chuẩn mẫu mực trong thực hành tín ngưỡng, xây dựng thành văn bản có sự chọn lọc, để dẫn dắt mọi người hiểu và thực hành theo đúng nghi lễ cổ truyền. Bên cạnh đó cũng đề nghị, các cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý đối với những trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này".