(Tổ Quốc) - Liên hoan "Diễn xướng Nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc bộ lần thứ 7 năm 2020" diễn ra tại Hà Nội đã khép lại sau hai ngày tổ chức. Chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân và các thanh đồng khu vực phía Bắc, mang đến nhiều tiết mục trình diễn vô cùng đặc sắc.
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1957 - 2020), đồng thời kỷ niệm 5 năm ngày "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam đã tổ chức "Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VII". Liên hoan diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/12 tại Rạp Đại Nam (Hà Nội) do NSND Thúy Hường chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn Hoàng Đạt dàn dựng.
Liên hoan được tổ chức với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời là cơ hội tốt để các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian chung tay gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại, kết nối mở rộng tầm ảnh hưởng của di sản phi vật thể hơn nữa đến cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.
Thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt có từ lâu đời nhằm tưởng nhớ ân đức của tiền nhân đã có công với dân tộc, trong hệ thống thờ Tứ phủ là tái hiện lại các hình tượng, các bậc tiên thánh nam thần và nữ thần như các vị quan lớn, bà chúa, ông Hoàng, thánh Cô, thánh Cậu; đặc biệt, thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát văn, các thanh đồng đã có công gìn giữ bảo tồn phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu, góp phần định hướng cho loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị văn hóa mang nhiều màu sắc tâm linh được đi đúng hướng của một di sản phi vật thể.
Một mục tiêu khác quan trọng không kém của liên hoan, là góp phần định hướng cho hình thức trình diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh đang có dấu hiệu biến tướng trong xã hội hiện nay. Điều chỉnh, định hướng lại cách hiểu cùa người dân, khi để người dân tự quan sát và tìm hiểu những khía cạnh, ý nghĩa của nghi thức này.
Trong 2 ngày diễn ra "Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ lần thứ VII" đã quy tụ được các Nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú của Đồng bằng Bắc bộ đã có nhiều năm bảo tồn và gìn giữ nét trong sáng của đạo Mẫu.
Trong đó có thể kể đến: Giá Đông Cuông do nghệ nhân dân gian Trần Ngọc Anh trình diễn, Giá Quan Đệ Nhị của Nghệ nhân ưu tú Đoàn Thị Quyên, Giá Quan Tam (Nghệ nhân Lại Thị Vui), Giá Quan Tuần (Nghệ nhân Trần Thị The), Giá Chầu Nhị (Nghệ nhân Trịnh Thị Đường) đến từ huyện Đông Anh Hà Nội, Giá Chầu Năm (Nghệ nhân Nguyễn Thị Dược) đến từ Thị xã Bỉm Sơn – Thanh Hoá, Giá Chầu Lục (Nghệ nhân Đặng Thị Thúy Nga –Lạng Sơn), Giá ông Hoàng Bẩy (Nghệ nhân Trịnh Văn Ngọc), Giá ông Hoàng Mười (Nghệ nhân Nguyễn Thị Thùy Hương) đến từ Hà Tĩnh).
Liên hoan được tổ chức với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, di sản văn hóa nhân loại, đồng thời là cơ hội tốt để các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian chung tay gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại, kết nối mở rộng tầm ảnh hưởng của di sản phi vật thể hơn nữa đến cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.
Dưới đây là hình ảnh một số giá chầu do các nghệ nhân trình diễn: