Người trẻ nhất là Kim Nhũ và Phạm Thu Yến cũng đã trên tuổi "lục thập hoa giáp", còn lại là U 80 là Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Hồng Ngát và Phan Thị Thanh Nhàn. Họ chơi với nhau từ bao giờ không rõ nhưng hầu như giới văn chương ai cũng biết có nhóm "sáu người" này từ rất lâu rồi.
Chị cả nổi danh với Hương thầm, Đám cưới ngày mùa, Con đường, Làm anh, Trời và Đất, Rồi có thể, Ngày tháng không quên… Phan Thị Thanh Nhàn thuộc thế hệ những nhà thơ được trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Hương thầm đoạt giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1969, in trong sách giáo khoa, chép trong không biết bao nhiêu cuốn sổ tay của các chàng trai cô gái ( tuổi của họ bây giờ cũng đã 80). Hương thầm còn được phổ nhạc và lan tỏa trong đời sống âm nhạc nước nhà. Hay bài khác: Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với người nào khác em /(…) Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu. (Con đường).
Nhưng sức hút của Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ bởi nhiều bài thơ nói hộ tâm trạng, tình cảm của nhiều người, làm lay động nhiều con tim của chị em mà còn bởi chính con người thơ ấy. Nhà thơ là người Hà Nội gốc, quê ở Yên Phụ, làng hoa, cây cảnh nổi tiếng. Sinh ra trong nề nếp, gia phong chị thấm đẫm sự dịu dàng, tinh tế. Cái duyên dáng e ấp không chỉ với tuổi mười tám đôi mươi mà theo chị đến giờ, cho nên người ta bảo chị là người đàn bà không tuổi. Chị già dặn trong thơ, trong chữ nhưng luôn ngây thơ, trong trẻo trước cuộc đời.
Người thứ hai là Nguyễn Thị Hồng Ngát, không chỉ là nhà thơ mà chị còn là một nhà biên kịch điện ảnh có nhiều thành tựu. Người ta gọi chị con hổ trầm tĩnh (sinh tuổi Dần), làm việc như hổ, mạnh mẽ khoáng hoạt như đàn ông nhưng lại là người đàn bà của căn bếp nhỏ, yêu chồng, chăm con, yêu súc vật… Một phụ nữ thông minh, cá tính, quyết đoán trong cương vị quản lý (nguyên Cục phó Cục điện ảnh) nhưng đồng thời rất nữ tính, tận tâm và chiều chuộng bạn bè.
Thơ của Hồng Ngát thể hiện chân thành những tâm tư của chị. Nghĩ gì viết nấy, bằng cảm xúc chân thành nên thơ chị chiếm được thiện cảm của người đọc: Anh đừng nhớ làm gì năm tháng cũ/ Đò đã xuôi dòng sông cũng khác rồi/ Đã trải qua biết bao mùa mưa lũ/ Mặt sông giờ trong vắt tấm gương soi…. Chẳng hề gì , hãy nắm lấy tay em…Ta sẽ tới những bến bờ mới lạ/ Xin hãy quên những chuyện buồn quá khứ/ Biết thương nhau, nguyện thế cũng vui rồi.
Đặc biệt chị có những bài thơ rất hay về biển: Biển, Biển đêm, Biển một ngày, Chiều biển động, Biển lặng, Em lại ra với biển...
Bài "Biển đêm" đã gây xúc cảm cho nhạc sĩ Lê Vinh và trở thành bài hát ruột của hàng trăm đêm diễn của ca sĩ Ngọc Tân. Bài hát khiến cho hàng ngàn trái tim rung lên mỗi đêm công diễn " …Biển, biển ơi, giữa trời đêm lộng gió tìm ai/ Biển, biển ơi, thức cùng anh có triệu ngàn tinh tú Và mênh mông, thời gian/ Biển, biển ơi, nơi xa vời, anh có biết chăng/ Em gọi anh cồn cào tiếng sóng/ Nếu nơi ấy, anh thấy lòng xao động,
Là tình em vang vọng ngóng anh…".
Người thứ ba, Đoàn Thị Lam Luyến nổi tiếng từ rất lâu với những bài thơ yêu của một thời… khờ dại. Nào là Dại yêu. Chiến tranh, Chồng chị chồng em. Gọi Thúy Kiều; Gửi tình yêu; Hát với Thị Mầu; Huyền thoại một tình yêu; Khách mời; Không có số được vàng; Kiều có ở trong em; Làm quan; Lửa chiều; Nào thì giận nhau đi…
Năm 1991 tập thơ Chồng chị chồng em ra đời. Bài thơ Chồng chị chồng em được Tặng giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1990.
Tình yêu là chủ đề lớn trong sáng tác của Đoàn Thị Lam Luyến. ngôn từ sắc sảo, tinh tế, chữ nghĩa kỹ lưỡng, tinh thần… bạo liệt. Từng dòng từng dòng là tuyên ngôn của nhà thơ về thái độ sống, về phong cách xử thế, về sự tín thác số phận và cả về những cung bậc, sự khao khát về mỹ cảm trong tình yêu.
"Thèm một chén say để ngủ suốt triệu năm/ khi tỉnh dậy anh đã chia tay người đàn bà ấy". Tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến là một thứ tình duy nhất, không chấp nhận đa cực. Đọc mà thấy thương. Chị mong nắm được trong tay, nhưng tình yêu cứ như ánh nắng nhảy nhót trêu đùa. Khi chị lấy chồng thì: "được lúa lúa đã gặt bong/ được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa/ Mặn mà cũng khác ngày xưa/Bâng khuâng... như chửa bao giờ bén duyên!... " . Nhưng, với bản tính nhân hậu, hoặc cố gắng vượt lên trên cái bình thường vốn có ở đời, chị đã sống nhân hậu với đời, trong nỗi đau của mình:
"… Gần được ấm, xa được êm/ Biết thì ruộng hoá, cũng nên mùa màng
Cái giần vục phải cái sàng/ Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau/ Cái phận trước, cái duyên sau… "
Và chị đã: "Gửi tình vào đất/ Được hoa trái đầy cành".
Người thứ tư là Kim Nhũ. Vốn xuất thân từ một giáo viên văn rồi làm tới phó Tổng biên tập một tờ báo. Đi nhiều, viết nhiều, trải nghiệm nhiều và có cái nhìn tinh tế, sâu sắc nên Kim Nhũ tìm thấy những tư liệu quý để chị làm thơ và viết văn. Kim Nhũ viết nhiều nhưng chị cũng không mặn mà việc xuất bản. Chị coi văn chương chỉ là phương tiện để sẻ chia của những tâm hồn đồng điệu…
Chân thành, mộc mạc, giàu hình ảnh đó là đặc trưng văn thơ của Kim Nhũ, hệt như con người của chị..
Đặc biệt nhất là những vần thơ viết về mẹ, về cha về bè bạn …
Mỗi khi về ta lại ghé giàn trầu/ Hơi thở mẹ như còn trong tán lá/ Mẹ xa rồi cây vẫn xanh tươi quá/ Thoảng thơm mùi miếng trầu quyện đỏ tươi// Chỗ mẹ ngồi còn đó chiếc bình vôi/ Chơ vơ nằm, người đâu giờ chả thấy/ Bình sứt miệng như vầng trăng khuyết vậy/ Giống cuộc đời nhỡ gánh mẹ ta xưa// Chái nhà hẹp chiếc võng cũ đung đưa/ Cả bầy con đã lớn khôn từ đó/ Bấy phương trời biết phương nao còn nhớ/ Chái nhà buồn kẽo kẹt tiếng võng đưa (Hoài niệm mẹ)…
Viết rồi để đó, mãi gần đây do thúc đẩy của gia đình và bạn bè nên Kim Nhũ xuất bản 4 tập sách: Khúc ru lại về (Thơ), Tình yêu và cuộc sống (Thơ), Nơi gửi nỗi nhớ (Truyện ngắn và tản văn), Gia đình nơi chốn ta về (Truyện ngắn).
Người thứ năm, Phạm Thu Yến. Là giảng viên đại học, đào tạo và hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh về chuyên ngành văn hóa trên địa bàn cả nước. Nhưng lại là người yêu thơ, và thơ hay. Chị làm thơ rất sớm, từ những ngày còn học ở nước ngoài và cho đến bây giờ. Nhưng Phạm Thu Yến luôn thận trọng khi công bố thơ. Thơ là một niềm riêng, một tâm sự và như là một tiếng nói thầm. Nhưng tiếng nói thầm ấy, sau khi xuất bản lại cuốn hút người đọc.
"Tuổi thiếu nữ của tôi thấm đẫm những câu thơ/ Ê-xê-nhin đã dịu dàng/ gieo trên cánh đồng kiều mạch/ Lũ chúng tôi vẫn thường ao ước/ Giá một lần được hát với bạch dương// Tôi đã gặp ở nước Nga sợi tóc bạc đầu tiên/ Khi lặn lội thân cò nơi tuyết trắng/ Nghĩa vụ thì dày, vai tôi thì mỏng/ Bài ca bạch dương ngủ quên dưới đáy những lô hàng// Khi tôi trở về xứ sở của mình/ Những ước vọng đã thành hiện thực/ Chỉ bài hát bạch dương đôi khi thầm khóc/ Khi tôi ngồi nhớ tuyết... Giá như tôi... (Giá như tôi).
Hay độc đáo như: "Làm sao ngăn được/ Cho hoa đừng tàn/ Làm sao buộc được/ Gió đừng lang thang/ Làm sao bảo được/ Tim thôi rộn ràng/ Làm sao cháy lại/ Lời yêu nguội tàn".
Cũng như mấy chị trong nhóm. Phạm Thu Yến cũng rất nữ tính, mang hàm phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về văn hóa dân gian nhưng Phạm Thu Yến.
Người cuối cùng trong nhóm là người viết văn xuôi và là họa sĩ Trần Thị Trường. Chị đã dựng được hình ảnh của mình ở cuốn đầu tay "Lời cuối cho em" do Đoàn Thị Lam Luyến đỡ đầu việc xuất bản và phát hành. Rồi một số tập truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết gần đây mang tên "Phố Hoài", gây nhiều chú ý. Năm 2019, Trần Thị Trường quay lại nghệ thuật giá vẽ, đã Triển lãm cá nhân mang tên "NHỮNG CẢM XÚC BẰNG MÀU" tháng 12/2019, tại 16 Ngô Quyền Hà Nội. Tranh của Trần Thị Trường gay ấn tượng mạnh ở bút pháp phong cách châu Âu nhưng lại tinh tế ở bố cục, màu sắc và đề tài rất phương Đông. Đặc biệt là hoa hồng. 24 bức tranh hoa hồng làm phụ bản trong tập sách này đã minh chứng điều đó.
Bên cạnh hội họa, viết văn thì viết chân dung cũng là sở trường của nhà văn Trần Thị Trường.
Ở mỗi chân dung, Trần Thị Trường lại khai thác theo cách riêng của chị, tất cả đều không theo khuôn mẫu sáo mòn. Những nhận xét, đánh giá của chị rất cô đọng, súc tích. Trần Thị Trường khắc họa rõ nét về con người, cuộc đời, sự nghiệp với bao thăng trầm, biến động. Những xô đẩy của số phận, thời cuộc không làm họ gục ngã mà đã hun đúc nên những nhân cách và tài năng đáng quý.
Những người gánh sông trăng là Tuyển Thơ - Ký chân dung vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Quý IV/2024. Tập sách gồm 101 bài thơ của 6 nữ nhân văn chương kể trên. Họ đều là những cái tên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Cuốn sách là một tập hợp những bài có lượng bạn đọc quan tâm nhiều nhất của các tác giả, cùng 24 phiên bản tranh hoa hồng.