• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

SEA Games 31: Đến Hà Nam xem bóng đá Futsal, không thể không khám phá những địa điểm du lịch này

Du lịch 21/04/2022 08:10

(Tổ Quốc) - Bên cạnh các yếu tố về thể thao, việc đăng cai tổ chức một số nội dung thi đấu tại SEA Games 31 mang lại cho tỉnh Hà Nam cơ hội tốt để quảng bá về văn hoá, du lịch, con người tỉnh.

Tại SEA Games 31 tới đây, cùng với 11 tỉnh/thành lân cận, tỉnh Hà Nam được lựa chọn đăng cai tổ chức thi đấu môn bóng đá Futsal ở cả 2 nội dung nam và nữ. Đây là môn thi đấu nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ, giới truyền thông không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực.

Bên cạnh các yếu tố về thể thao, việc đăng cai tổ chức môn thi đấu tại SEA Games 31 còn mang lại cho tỉnh Hà Nam cơ hội tốt để quảng bá về văn hoá, du lịch, con người địa phương. Theo ông Tạ Đình Quyền, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam, để có được sự chuẩn bị tốt nhất phục vụ cho kỳ đại hội, ngành du lịch Hà Nam đã chỉ đạo các Ban quản lý khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, đảm bảo tốt các yếu tố phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu thông qua các buổi liên hoan, triển lãm, hội chợ xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch.

Tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh cũng như nghệ thuật truyền thống nhất trên cả nước. Dưới đây là một số địa điểm dự kiến sẽ thu hút khách du lịch:

Khu du lịch Tam Chúc

Thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại Hà Nam qua mùa SEA Games - Ảnh 1.

Chùa Tam Chúc thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm

Khu du lịch Tam Chúc sở hữu tổng diện tích lên tới 5.100 ha bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc. Ở đây có chùa Tam Chúc là chùa được đánh giá có diện tích lớn nhất thế giới.

Từ khu du lịch Tam Chúc, du khách có thể di chuyển rất thuận tiện đến các khu vực lân cận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: động Vòng, chùa Bà Đanh, đền Trúc, miếu Trung, chùa Đặng Xá, đền Bạch Mã, miếu Bóng Bà, Động Thủy, động Lim, động Chùa, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng....

Không những vậy, khu du lịch hồ Tam Chúc còn sở hữu vị trí đặc biệt khi là gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước.

Nhà Bá Kiến - Nguyên mẫu làng Vũ Đại

Thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại Hà Nam qua mùa SEA Games - Ảnh 2.

Nhà Bá kiến nhìn từ trên cao (Ảnh: Vinpearl)

Trải qua hơn 100 năm dưới tác động của bom đạn, thời tiết, ngôi nhà 3 gian được thiết kế với cột gỗ lim cùng chân cột kê đá tảng vẫn đứng vững chưa qua một lần tu sửa. Nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn dấu vết xưa cũ của một làng quê Việt Nam cuối thế kỷ 18. Du khách có thể cảm nhận được âm thanh của tiếng dệt vải, những con đường quê cùng vài mái ngói, hàng gạch xưa cũ.

Toạ lạc ở làng Đại Hoà, qua ngòi bút của cố nhà văn Nam Cao, nhà Bá Kiến, làng Vũ Đại trong truyện ngắn "Chí Phèo", làng Đại Hòa đã trở thành địa danh nổi tiếng thu hút nhiều lượt khách du lịch hàng năm.

Khu du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại Hà Nam qua mùa SEA Games - Ảnh 3.

Đền Trúc (Ảnh: Internet)

Đền Trúc nằm ven bờ sông Đáy, dưới chân núi Thi Sơn. Đền Trúc thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Ngôi đền gồm 5 gian, xây cao trên mặt sàn được đặt thành 3 cấp, hai đầu hồi bít đốc. Ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Ba gian hậu cung cũng được xây dựng cùng phong cách với nhà tiền đường: xây bít đốc, khung gỗ lim, kéo giá chiêng và lợp ngói nam. Ngăn cách giữa nhà tiền đường với hậu cung là một khoảng sân hẹp có tường nối, nhà bán mái và bể.

Ngũ Động Sơn là năm hang nối liền nhau tạo thành một dãy động liên hoàn có chiều dài hơn 100m trong một lòng quả núi có tên là núi Cuốn Sơn (núi Cấm). Lối vào động ở trên cao, nhìn ra sông Đáy. Lối ra nằm ở bên kia vách núi. Cấu trúc các động đa dạng với nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng, gợi cho du khách sức tưởng tượng phong phú. Thời Kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.

Làng trống Đọi Tam - làng nghề hơn 1.000 năm tuổi

Thưởng thức giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại Hà Nam qua mùa SEA Games - Ảnh 4.

Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời (tương truyền khoảng hơn 1.000 năm với vị tổ nghề là Nguyễn Ðức Năng và Nguyễn Ðức Bản.

Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước. Hàng năm, cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối.

Ngày nay, các nghệ nhân ở Ðọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính.

Bạch Dương

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ