(Tổ Quốc) - Với trường hợp của S-Fone, việc xin gia hạn giấy phép kinh doanh (nếu có) là vô cùng khó...
Hình ảnh nhân viên treo biểu ngữ đòi lãnh đạo SPT trả nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp… cách đây 4 năm. |
Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã gửi thông báo thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất và các tài nguyên viễn thông cho Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), đơn vị sở hữu mạng di động S-Fone.
Một nguồn tin cho biết, SPT đã có văn bản xin gia hạn giấy phép viễn thông gửi cơ quan quản lý, tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Viễn thông, hiện Cục vẫn chưa nhận được báo cáo xin gia hạn.
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung, doanh nghiệp viễn thông muốn gia hạn hay cấp mới lại từ đầu giấy phép viễn thông đều phải căn cứ trên các điều khoản, quy định của Luật Viễn thông. Tuy nhiên, với trường hợp của S-Fone thì từ nhiều năm nay, dịch vụ của mạng di động này không còn tồn tại trên thị trường, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như nợ phí sử dụng kho số viễn thông, phí sử dụng tần số, thì việc xin gia hạn giấy phép là rất khó thực hiện.
Ông Trung cũng cho hay, với thông báo thu hồi giấy phép của Cục và đơn xin gia hạn giấy phép của SPT (nếu có) rất khó được chấp thuận, thì điều đó cũng có nghĩa, về cơ bản, SPT sẽ không còn quyền kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất, không còn quyền sử dụng kho số viễn thông và băng tần 850 MHz.
Từ 4-5 năm nay, đã không còn tồn tại dịch vụ của S-Fone trên thị trường trong nước.
Là dự án hợp tác giữa SPT và tập đoàn viễn thông SK Telecom (Hàn Quốc), S-Fone được khởi động từ năm 2001 và đến giữa 2003, dịch vụ viễn thông di động của S-Fone chính thức được thương mại hóa. Đây là mạng di động triển khai công nghệ CDMA (đa truy cập phân chia theo mã) đầu tiên tại Việt Nam.
Thời điểm mới ra đời, S-Fone từng được xem như là một dấu mốc lịch sử trong việc phá vỡ thế độc quyền trên thị trường viễn thông di động của “anh em” nhà VNPT, lúc đó là MobiFone và VinaPhone, dù rằng phải đến khi Viettel xuất hiện sau đó, cục diện thị trường mới bắt đầu thay đổi.
Những hạn chế của công nghệ CDMA, của mô hình hoạt động theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC) giữa SPT và SK Telecom, và từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của các mạng di động GSM gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel, đã khiến S-Fone dần lâm vào tình thế khó khăn.
Đầu năm 2012, SPT xác định kế hoạch “thay máu” công nghệ, khai tử CDMA để chuyển sang WCDMA/HSPA (3G). Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi liên tục sa lầy trong những khó khăn do trước đó, năm 2010, đối tác SK Telecom tuyên bố rút khỏi dự án, khiến SPT ngày càng bế tắc.
Đến giữa năm 2012, S-Fone đơn phương thông báo kết thúc hợp đồng lao động đối với tất cả cán bộ nhân viên, để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty trách nhiệm hữu hạn.
Vneconomy