(Tổ Quốc) - Theo trang Nikkei Asia, Singapore và Malaysia hợp tác thiết lập một đặc khu kinh tế (SEZ) ở khu vực biên giới với hy vọng sẽ được hưởng lợi từ các liên kết kinh doanh chặt chẽ hơn và kết nối tốt hơn.
Ngày 30/10, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Singapore. Cả hai nhà lãnh đạo đã thúc đẩy trao đổi định hướng những bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước.
Lĩnh vực hợp tác chính giữa hai nước là định hướng thành lập Đặc khu kinh tế (SEZ) theo kế hoạch từ trước ở bang Johor của Malaysia. Johor là một bang của Malaysia, đảm nhận vai trò là khu kinh tế mở giữa Singapore và Malaysia, nằm trong tam giác tăng trưởng Singapore - Indonesia- Malaysia.
Khoảng hai thập niên gần đây, mô hình đặc khu kinh tế (special economic zone - SEZ) ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm. Đặc khu kinh tế (SEZ) là khái niệm chỉ một khu vực trong một quốc gia tuân theo các quy định kinh tế khác với cả nước.
Thông thường, những quy định này có xu hướng nghiêng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoạt động kinh doanh trong một SEZ cũng có nghĩa công ty đó sẽ nhận được các ưu đãi về thuế, nhập khẩu, thủ tục hải quan và nhiều quy định kiểm soát khác.
Các đặc khu kinh tế còn được gọi là các "thành phố đặc quyền" - nơi áp dụng luật lệ riêng so với toàn quốc ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh. Các SEZ nằm trong biên giới quốc gia và mục tiêu bao gồm tăng cán cân thương mại, việc làm, tăng đầu tư, tạo việc làm và quản trị hiệu quả.
Theo tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo đưa ra hôm 30/10, đặc khu kinh tế sẽ khai thác các thế mạnh bổ sung của cả hai nước để thúc đẩy kết nối kinh tế bằng cách cải thiện dòng hàng hóa, đầu tư và con người xuyên biên giới.
"Khu vực này sẽ trở thành trung tâm hợp tác giữa hai nước", Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết trong một cuộc họp báo chung ngày 30/10, khẳng định cả hai bên đều hướng tới ký kết thỏa thuận về khu vực này vào tháng 1/ 2024.
"Chúng tôi đã có một khoảng thời gian để có thể thống nhất về các thông số. Chúng tôi mong muốn có được một số thỏa thuận hoặc sự hiểu biết vào giữa tháng 1 năm sau", ông Anwar nói về vị trí của dự án.
Thúc đẩy kết nối kinh tế hai nước
Theo trang Nikkei Asia, Singapore và Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau vào năm 2022, với kim ngạch song phương đạt 83,53 tỷ USD vào năm ngoái. Singapore cũng là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu của Malaysia, đóng góp 8,3% tổng vốn đầu tư trong năm 2022.
Nằm dọc Eo biển Johor vốn phân tách đô thị với đảo Singapore phương nam, gần đây Johor Bahru nổi lên là viên ngọc quý của đảo quốc Malaysia. Hiện tại Johor Bahru là thiên đường mua sắm giá rẻ tuyệt vời và là điểm dừng chân lý tưởng của khoảng 60% lượng khách du lịch đến thăm Malaysia từ Singapore sang.
Đặc khu kinh tế Johor - Singapore sẽ nằm ở vùng Iskandar của Malaysia, khu vực mà nước này đang cố gắng quảng bá như một thỏi nam châm đầu tư để thúc đẩy các lĩnh vực như điện tử, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ gắn liền với tài chính và kinh doanh.
Trong suốt cuộc họp báo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết dự án sẽ cải thiện sức hấp dẫn kinh tế cho cả hai bên.
"Trong một thế giới hậu đại dịch Covid-19 ngày càng bất ổn, chúng ta cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là liên kết kinh tế và thúc đẩy quan hệ về con người, hàng hóa và củng cố hệ sinh thái kinh doanh", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi đầu tháng này dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ ở mức 3% trong năm nay và 2,9% vào năm 2024 - giảm so với mức 3,5% vào năm 2022. Hai nước đã phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu chậm lại trong những tháng qua, gây áp lực lên nền kinh tế.
Cũng trong cuộc gặp ngày hôm qua (30/10), hai nhà lãnh đạo hai nước cũng đồng ý hợp tác phát triển chung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và kinh doanh điện xuyên biên giới khi cả hai nước đều chú ý đến các nguồn năng lượng bền vững trong bối cảnh khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng cấp bách.
Tuyên bố chung hôm 30/10 đã đề cập đến sự hợp tác năng lượng trong các lĩnh vực như chia sẻ công nghệ năng lượng tái tạo và carbon thấp, thu hồi và lưu trữ carbon cũng như tín dụng carbon.
Hiện Singapore đang tìm cách nhập khẩu năng lượng được tạo ra từ năng lượng tái tạo tại bang Sarawak của Malaysia. Singapore cũng đang cùng nước láng giềng khám phá tính khả thi của việc xây dựng các tuyến cáp điện xuyên biên giới mới để kinh doanh điện. Gần đây, cả hai bên đã nâng cấp một số tuyến cáp điện hiện có để tăng dòng năng lượng./.