(Tổ Quốc) - Theo Phòng quản lý Lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng), trong “Kế hoạch Phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021”, Đà Nẵng cũng đã có quan điểm rõ rằng về việc bảo vệ, bảo tồn rạn san hô khi đưa khu khách tham quan biển đảo.
Liên quan đến việc Đà Nẵng có kế hoạch mở tuyến du lịch trực tiếp Sông Hàn – Cù Lao Chàm, phía Quảng Nam lo ngại (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin), chiều 6/5, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã nhận được thông tin về vấn đề này từ Phòng quản lý Lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng).
Trước đó, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã gửi 4 câu hỏi cho ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng liên quan đến vấn đề này, ông Bình hứa sẽ có câu trả lời và đến chiều nay (6/5) đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng đã có câu trả lời về vấn đề này.
Một góc đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Đức Hoàng
Căn cứ nhiều quyết định để mở tuyến Sông Hàn – Cù Lao Chàm
Theo nội dung của Phòng quản lý Lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng) cung cấp thì có nhiều quyết định liên quan đến vấn đề mở tuyến Sông Hàn – Cù Lao Chàm này. Phòng quản lý Lữ hành dẫn ra một loạt như sau: Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014.
Căn cứ Quyết định số 6651/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê quyệt Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030, trong đó có mở tuyến đường thủy nội địa ven biển Đà Nẵng – Cù Lao Chàm.
Căn cứ Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 13/7/2017 của UBND thành phố về ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, trong đó phát triển tuyến vận tải hành khách Sông Hàn-Cù Lao chàm, loại hình kinh doanh: vận tải theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.
Căn cứ Quyết định 3733/QĐ-BGTVT ngày 03/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc Công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Căn cứ Thông báo Kết luận số 385-TB/TU ngày 30/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tại Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUDDN ngày 27/4/2016 về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, tại nội dung số 3 "Tiếp tục phối hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng tam giác Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn. Đẩy nhanh tiến độ dự án khai thác tuyến du lịch nối Đà Nẵng với Đô thị cổ Hội An theo tuyến sông Cổ Cò và tuyến ven biển Đà Nẵng - Cù Lao Chàm".
Căn cứ nhu cầu của du khách tham quan du lịch biển đảo tại Đà Nẵng và tuyến ven biển kết nối với Quảng Nam và nhu cầu liên kết vùng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trong việc phát triển du lịch 2 địa phương, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển theo hướng bền vững.
Trong Kế hoạch Phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, thành phố Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu (khách sạn nổi, tàu lưu trú ngủ đêm trên tàu...). Việc triển khai thực hiện trên thực tế cần phải có nhiều bước mới thành hiện thực (mục 2).
Hoạt động đưa đón khách du lịch ra tham quan đảo Cù Lao Chàm tại bến cảng Cửa Đại - Hội An. Ảnh: Đức Hoàng
Các công việc phải làm khi muốn đưa tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm vào hoạt động
Phòng quản lý Lữ hành (Sở Du lịch Đà Nẵng) cho biết, lãnh đạo 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ có các buổi làm việc để bàn bạc, thống nhất đưa tuyến này vào hoạt động phục vụ du khách phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, phải được Cục đường Thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông vận tải đồng ý chấp thuận về nguyên tắc tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm các tàu đủ điều kiện mới được đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, có đội tàu đáp ứng đầy đủ các quy định hoạt động ven biển (cấp VR-SB) và thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu có các bằng cấp, chứng chỉ phù hợp, được đào tạo nghiệp vụ du lịch.
Có bến tàu đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cập và xuất bến. Có quy trình kiểm soát xuất, nhập bến chặt chẽ, nghiêm ngặt với các lực lượng tham gia như Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy, Quản lý bến…
Du khách thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi, tắm biển trên đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: Đức Hoàng
Quan điểm về bảo tồn rạn san hô tại Cù Lao Chàm
Theo Phòng quản lý Lữ hành – Sở Du lịch Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng cũng như tỉnh Quảng Nam luôn luôn có quan điểm bảo vệ, bảo tồn rạn san hô quý hiếm tại khu vực biển Cù Lao Chàm, khai thác du lịch phải gắn với bảo tồn.
Trong "Kế hoạch Phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021", TP Đà Nẵng cũng đã có quan điểm rõ rằng về việc bảo vệ, bảo tồn rặn san hô khi đưa khu khách tham quan biển đảo.
Khi đưa du khách tham quan tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm (nếu có), công tác an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu, đồng thời đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch thủy nội địa, các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên có hình thức nhắc nhở, khuyến cáo du khách có ý thức và hành động bảo vệ rạn san hô, không có bất cứ hành vi nào làm tổn hại đến rạn san hô quý hiếm tại khu vực biển Cù Lao Chàm.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước tại Quảng Nam, Cù Lao Chàm có hình thức xử lý, xử phạt ngiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm, gây tổn hại cho rạn san hô tại khu vực biển Cù Lao Chàm.
"Du khách phải tuân thủ các quy định khi tham quan đảo Cù Lao Chàm, đặc biệt là quy định về số lượng khách mỗi ngày", Phòng quản lý Lữ hành – Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay.
Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng vừa có thông tin trên website của Sở này về việc "Đầu tư phương tiện Thủy nội địa hoạt động trên tuyến Sông Hàn – Cù Lao Chàm". Theo Sở GTVT Đà Nẵng, ngày 05/4/2019 UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 2162/KH-UBND về Phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch hoạt động trên tuyến sông Hàn – Cù lao Chàm.
Loại tàu đăng ký hoạt động trên tuyến thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3847/QĐ-UBND ngày 13/7/2017 của UBND thành phố về Ban hành kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 (tàu được phân cấp VR-SB; sức chở cho phép từ 30 khách đến 250 khách; có kiểu dáng hiện đại, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy trên tuyến hoạt động).
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phương tiện để hoạt động trên tuyến sông Hàn – Cù lao Chàm, đề nghị liên hệ Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái – Sở Giao thông vận tải (điện thoại 0236.3820389; email: qlvtptnl@danang.gov.vn) để được hướng dẫn chi tiết.