• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sở GTVT Hà Nội dẫn thành công của London, Seoul, Dubai để lập phương án thu phí ô tô vào nội đô

Thời sự 26/07/2019 13:45

(Tổ Quốc) - Sở Giao thông, vận tải Hà Nội khẳng định đề án sẽ khảo sát lưu lượng giao thông trên các tuyến đường chính, khoảng 10 tuyến, khảo sát tốc độ giao thông trên các tuyến này… đánh giá tính khả thi và tác động kinh tế-xã hội của Đề án.

Khu vực Vành đai 3 TP chiếm tới trên 80% số điểm ùn tắc

Sở Giao thông, vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Tài chính Hà Nội về dự toán cho Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Theo đó, nội dung nghiên cứu của Đề án là từ vành đai thu phí khép kín, dự kiến khu vực trong vành đai 3 thành phố; các cửa ngõ vào trung tâm thành phố, các trục đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và tác động lớn đến môi trường xung quanh.

Đề án cũng phân tích một số khía cạnh kỹ thuật về công nghệ sử dụng và công suất đáp ứng của hệ thống với điều kiện đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

Phạm vi thu phí theo vành đai, các phương tiện ngoài vành đai đi vào khu vực bên trong vành đai sẽ bị thu phí. Việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án. Đối tượng là ô tô.

NQK_6968

Đường vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến. Ảnh: Nam Nguyễn

Đề án khẳng định thu phí là một biện pháp kinh tế đã được áp dụng tại nhiều TP lớn trên thế giới và trong khu vực nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông trong khu vực trung tâm TP. Đề án này cũng được cho là đã bám sát, giải thích rõ các nội dung theo văn bản số 11887 của Bộ Tài chính năm 2018 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030".

Ngoài ra, Sở Giao thông, vận tải cho biết, việc thu phí giao thông để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao cũng đã được nhiều nước áp dụng và thành công như Singapore, London, Seoul, Dubai… Đồng thời dẫn dụ, khi áp dụng hệ thống thu phí ở Singapore khiến tỷ lệ sử dụng vận tải khách công cộng tăng 1,5 lần; vận tốc lưu thông khu vực cũng được cải thiện đáng kể, tăng 1,7 lần...

Theo văn bản của Sở Giao thông, vận tải, những năm gần đây, tình hình ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp, không chỉ thay đổi về mặt không gian với số lượng các điểm ùn tắc gia tăng mà thời gian xảy ra ùn tắc cũng kéo dài. Đặc biệt là khu vực Vành đai 3 TP chiếm tới trên 80% số điểm ùn tắc so với tổng số điểm ùn tắc trên địa bàn.

"Đây là chủ trương phù hợp với chỉ đạo của TP và hết sức cần thiết nhằm giảm mật độ của phương tiện ô tô hoạt động trong TP"- Sở Giao thông, vận tải nêu.

Sở Giao thông, vận tải Hà Nội khẳng định đề án sẽ khảo sát lưu lượng giao thông trên các tuyến đường chính, khoảng 10 tuyến, khảo sát tốc độ giao thông trên các tuyến này… đánh giá tính khả thi và tác động kinh tế-xã hội của Đề án.

Hà Nội đang xây dựng một loạt đề án giao thông tác động tới người dân

Trong báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 năm 2017 của HĐND TP về việc thông qua đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, UBND TP Hà Nội cũng đã đề cập tới nội dung thu phí phương tiện vào nội đô.

Lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Với đề án này, UBND TP Hà Nội cho hay, ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 10040 đồng ý cho UBND TP lập đề án. Ngày 20/5/2019, UBND TP ban hành văn bản số 2116 về việc chấp thuận chủ trương xây dựng đề án. Hiện Sở Tài chính đang thẩm định.

Lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng xe hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Với đề án này, UBND TP nhận định, đây là nhiệm vụ cần thiết, nhưng là một việc khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài TP. Do đó, Sở Giao thông, vận tải và cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đã đề xuất báo cáo UBND TP giai đoạn 2019-2020.

Lập đề án quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Với nhiệm vụ này, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 5316 năm 2018 về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán, hiện Sở Giao thông, vận tải đang tổ chức thực hiện, dự kiến hoàn thành vào Quý III/2019.

Ngoài ra Hà Nội còn thực hiện các nhiệm vụ khác như: 6 tháng cuối năm nay, UBND TP sẽ hoàn thành bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe.

Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị đầu cuối đảm bảo việc thực hiện kết nối giao thông thông minh giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân được hiệu quả…

Hoàn thành việc rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân

Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện ôtô và xe máy và khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, số lượng xe của lực lượng công an, quân đội khoảng 1 triệu./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ