(Tổ Quốc) - Ngày (9-4), bên lề Kỳ họp thứ 8, HĐND TP. Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ điều này.
- 06.04.2019 TS Lương Hoài Nam: Không nên bi kịch hóa đời sống đô thị không có xe máy
- 04.04.2019 Nhìn những hình ảnh này mới thấy "đề xuất cấm xe máy 6 tuyến phố Hà Nội" là vô cảm với người dân nghèo
- 03.04.2019 Bài 2: "Điểm danh" 6 tuyến phố dự kiến cấm xe máy theo giờ ở Hà Nội: Xuân Thuỷ - Cầu Giấy xe máy leo vỉa hè vượt ổ voi tránh ùn tắc vào giờ cao điểm
- 02.04.2019 Bài 1: Thí điểm cấm xe máy trong con mắt của một startup về xe máy
- 28.03.2019 Thí điểm cấm xe máy: Thí điểm tại Hà Nội, TP HCM sau đó tới các TP khác
Theo đó, liên quan đến thông tin Hà Nội sẽ hạn chế xe máy theo giờ tại 6 tuyến phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở Giao thông, vận tải, còn chính thức thì TP chưa đưa ra quyết định này.
Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, TP hiện có gần 6 triệu xe máy nên giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng.
"Toàn bộ phương án này phải được công bố công khai cho người dân, tạo sự đồng thuận"- Chủ tịch Hà Nội nêu rõ.
Giao thông Hà Nội. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn
Ngoài ra, TP phải phát triển được đủ phương tiện công cộng để cho người dân đi lại. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức chung cho rằng, cần tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen khi di chuyển trong phạm vi từ 1 – 1,5km trở lại thì nên đi bộ...
Trước đó, theo đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" đang được Sở Giao thông, vận tải Hà Nội hoàn thiện.
Sở Giao thông, vận tải Hà Nội cho hay, trước khi cấm xe máy hoạt động trong trung tâm thành phố và năm 2030, TP này dự kiến thí điểm cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên 6 trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đó là các tuyến: Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi.
Liên quan tới chủ đề này, thời gian qua, báo điện tử Tổ Quốc đã có loạt bài viết, trong đó có nhiều ý kiến chuyên gia cũng đồng tình rằng, cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng cho địa bàn Hà Nội, di dời các trường ĐH, trụ sở cơ quan Bộ ra khỏi nội thành Hà Nội...
Trong một diễn biến liên quan, tại Kỳ họp thứ 8 sáng 9/4, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, sẽ hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho các đối tượng là người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ 50% đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi; hỗ trợ 30% dành cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Hà Nội cũng đề xuất miễn phí 100% giá vé cho toàn bộ hành khách trong 15 ngày đầu khi tuyến đường sắt bắt đầu vận hành thương mại (dự kiến vận hành trong tháng 4 này)./.