• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóc Trăng: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở

Văn hoá 26/11/2021 10:20

(Tổ Quốc) - Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, các hoạt động văn hóa "hướng về cơ sở"; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh; xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa ngày càng đi vào thực chất; đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả trong tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhân dân.

Sóc Trăng là tỉnh ven biển, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nét văn hóa phong phú, đặc sắc của vùng đất và con người Sóc Trăng.

Những năm qua, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhưng kinh phí đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa luôn được ưu tiên. Nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật được quan tâm đầu tư nâng cấp, như: Trung tâm văn hóa, triển lãm Hồ nước ngọt, Quảng trường Bạch Đằng, Công viên 30/4, Tượng đài nhà Nông học Lương Định Của; hệ thống trung tâm văn hóa, thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống thư viện - nhà truyền thống ở cơ sở...

Sóc Trăng: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở - Ảnh 1.

Sóc Trăng với bản sắc văn hóa độc đáo và vị trí kết nối nhiều tỉnh thành được đánh giá là vùng đầy triển vọng trong thời gian tới

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư sân bóng chuyền, sân bi sắt, dụng cụ thể dục thể thao và các thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị âm thanh, thiết bị vui chơi giải trí trẻ em, dụng cụ thể thao hỗ trợ cho các xã; mua sách bổ sung cho Thư viện tỉnh phục vụ bạn đọc, trang bị xe thư viện lưu động; đầu tư thiết bị âm thanh cho Đoàn Nghệ thuật Khmer, sân khấu, xe chuyên dùng phục vụ công tác thông tin lưu động. Công tác đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa không ngừng được tăng cường, như: xây Nhà làm việc diễn viên cho Đoàn Nghệ thuật Khmer, Tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm, Nhà lưu niệm cơ sở cách mạng tại xã Mỹ Quới - thị xã Ngã Năm, Thư viện thị xã Ngã Năm; sửa chữa Thư viện tỉnh, Nhà trưng bày văn hóa Khmer, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (nay là Trung tâm văn hóa - thể thao), Bảo tàng tỉnh; trùng tu các di tích cấp quốc gia như Đình Hòa Tú, Chùa Mahatup (Chùa Dơi), Miếu Bà Chúa Xứ (Ngã Năm); phục chế Khu bảo tồn di tích cấp quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tính đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được hoàn thiện; đối với cấp tỉnh có Trung tâm văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa - thể thao tỉnh; đối với cấp huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao tại 11/11 huyện, thư viện tại 9/11 huyện; đối với cấp xã có nhà văn hóa tại 96/109 xã, phường, thị trấn, trong đó 18 xã có thư viện; 724/775 ấp, khóm có nhà văn hóa ấp.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được thực hiện tốt; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của đại đa số người dân. Nhờ đó, số hộ gia đình, ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 295.618/324.143 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 91,2%; 750/775 ấp, khóm đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa, đạt 96,77%.

Nhìn chung, chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân tiếp tục được phát huy; việc xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Từ đó, có thể khẳng định rằng các hoạt động văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo sự thoải mái về tinh thần, là động lực thúc đẩy học tập, lao động, sản xuất kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sóc Trăng: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở - Ảnh 2.

Một góc chùa Sa La Pô Thi, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (ảnh TTXVN)

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ, hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa tương xứng với sự phát triển chung của tỉnh; chưa có nhiều khu vui chơi giải trí công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là trẻ em.

Việc khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, nhiều di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số loại hình văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một nhưng chưa được đầu tư bảo tồn, khôi phục; chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa để thu hút khách du lịch. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những sai phạm trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và bài trừ các tệ nạn xã hội chưa thực hiện thường xuyên, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa tuy có chuyển biến nhưng không đáng kể.

Tỉnh ủy Sóc Trăng rút ra một số kinh nghiệm: (1) Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy nhận thức đúng vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của địa phương thì nơi đó phong trào văn hóa sẽ phát triển và đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các dân tộc được phát huy.

(2) Vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên; xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, bảo đảm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

(3) Các cấp ủy đảng, chính quyền dành nguồn lực thỏa đáng cho đầu tư phát triển văn hóa; đồng thời quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo sân chơi lành mạnh cho thế hệ trẻ, bảo đảm việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tỉnh ủy Sóc Trăng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như: (1)Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

(2) Đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án về phát triển văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao, phục vụ giáo dục truyền thống và thu hút du khách; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; có cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

(3) Tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với những đặc tính cơ bản, như: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, có lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh, luôn khát vọng vươn lên và cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

(4) Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, dân chủ cơ hội và thực dụng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong các hoạt động của cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức chính trị, đội ngũ những người làm văn hóa và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

(5) Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa…/.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ