(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm tháo gỡ những khó khăn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, qua đó mới thực hiện hiệu quả Chương trình này.
Chiều 25/5, thảo luận tại tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu nhận thấy, đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các bộ ngành và các địa phương.
Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng, các nội dung điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình, không làm phát sinh đối tượng thụ hưởng chính sách và địa bàn đầu tư.
Qua nghiên cứu, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc có đề ra 8 nhiệm vụ trong năm 2024 trong thời gian tới để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này, đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị lưu ý, quan tâm vì chỉ còn một năm, bảy tháng thì theo giai đoạn, Chương trình sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đặc biệt là Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị cần sớm tháo gỡ những khó khăn của Chương trình, qua đó mới thực hiện hiệu quả Chương trình này.
Về hỗ trợ nhà ở, nhiều đại biểu và các địa phương đều đề cập vì nhiều nội dung còn chưa rõ ràng. Các ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở trước đây thì đến nay các đối tượng có được tiếp tục thụ hưởng hay không?
Liên quan đến các tiểu dự án, nhất là tiểu dự án 3 về phát triển dược liệu quý và các dự án phát triển nông nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, để thực hiện các dự án này phải liên kết theo chu kỳ, theo quy định là 3 năm. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn đang vướng mắc trong cơ sở thực hiện, nhất là từ các Thông tư hướng dẫn như Thông tư 10 của Bộ Y tế, Thông tư 55 của Bộ Tài chính…, do đó cần phải được điều chỉnh. Qua kỳ họp lần này, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị cần thiết điều chỉnh Chương trình để cho các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình, đặc biệt là các tỉnh miền núi được hưởng chế độ, chính sách này đến hết giai đoạn thì phù hợp hơn.
Kịp thời hỗ trợ cho các địa phương triển khai
Nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đây là quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thể hiện sự quan tâm xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ. Đoàn giám sát 3 Chương tình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều nội dung và Chính phủ đã kịp thời cụ thể hóa và thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát tại đợt giám sát này.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan nhận thấy, đây là nội dung cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương triển khai thực hiện thận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, nguyên tắc của Chương trình vẫn bám theo xuyên suốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Các nội dung điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình, không làm phát sinh đối tượng thụ hưởng chính sách và địa bàn đầu tư.
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Tờ trình của Chính phủ làm rõ hơn, rà soát trong các danh mục cụ thể, vì có một số danh mục không thuộc phân định theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng đối tượng thụ hưởng vẫn là con em đồng bào dân tộc thiểu số…
Về các nội dung đề xuất điều chỉnh, đại biểu Phương Lan nhận thấy, nội dung đề xuất điều chỉnh đảm bảo tính chất pháp lý và các đối tượng dự kiến điều chỉnh, nguồn lực thực hiện đã được nghiên cứu, xác định cụ thể theo Báo cáo chủ trương đầu tư…
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh nguồn vốn, hiện đang có nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp, đại biểu nêu rõ, với các quy định hiện hành và các nghị quyết đã ban hành, không hẳn sẽ có vướng mắc giữa hai nguồn vốn này.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án, đặc biệt là giữa các nguồn vốn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần nêu cụ thể hơn các nguồn vốn này ngay trong Nghị quyết chung của kỳ họp.
Về phê duyệt và đầu tư các dự án đầu tư thuộc nội dung điều chỉnh, đại biểu bày tỏ đồng tình với nguyên tắc phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực.
Nguyên tắc cao nhất để quản lý chính là kết quả đầu ra
Quan tâm đến nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đã là Chương trình mục tiêu quốc gia, nguyên tắc cao nhất để quản lý chính là kết quả đầu ra, tức là mục tiêu đó phải đạt được. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia duy nhất được phê duyệt theo hai Nghị quyết gồm Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.
"Trước khi xây dựng Chương trình này, đã phải đầu tư hàng trăm tỷ điều tra, khảo sát kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xác định những điểm nào còn thiếu, cần đầu tư nhất thì sẽ được nêu trong Chương trình. Tức là qua kết quả điều tra, chúng ta mới lập dự án để đầu tư", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn và mong muốn có câu trả lời thỏa đáng về vấn đề xã đạt nông thôn mới nhưng nhân dân còn khó khăn mà không được hưởng chính sách, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm rõ thêm nguyên nhân của vấn đề này là do cách tiếp cận của chính sách dân tộc. Đối với các dự án đầu tư và vốn đầu tư, tiếp cận theo địa bàn.
"Có nghĩa là xã khu vực 1, xã khu vực 2, xã khu vực 3. Xã khu vực 3 là xã khó khăn nhất, tiếp theo khu vực 2 và khu vực 1. Nếu người dân ở xã khu vực 3 chuyển sang khu vực 2 thì sẽ không được thực hiện chính sách đầu tư của xã khu vực 3. Hay xã khu vực 2, khu vực 3 chuyển sang khu vực 1 thì sẽ không được đầu tư chính sách của xã đặc biệt khó khăn nữa", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến giải thích.
Tuy nhiên, chính sách cho con người như bảo hiểm y tế, chính sách giáo dục được tiếp cận theo dân tộc và hộ nghèo, người nghèo. Do đó, khi xã đó đã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và lên nông thôn mới nhưng người dân vẫn thuộc diện hộ nghèo thì họ vẫn được hưởng chính sách cho con người.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhận thấy, trên thực tế có những điều chỉnh chưa khớp nên phát sinh những vướng mắc, đây là tất yếu vì Chương trình mục tiêu quốc gia này mới được thực hiện trong nhiệm kỳ này, còn hai Chương trình còn lại đã được thực hiện trong vòng 10 -15 năm nên có nhiều thời gian để điều chỉnh các vấn đề bất hợp lý.
"Đối với các chính sách đầu tư thì thực hiện theo địa bàn, còn chính sách cho con người thực hiện theo dân tộc và theo hộ nghèo, như vậy sẽ không phát sinh các vướng mắc", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan tham mưu của Chính phủ, Chủ chương trình và Hội đồng Dân tộc cần chú ý khi kết thúc giai đoạn 2021-2025 thì cần có chủ trương đồng ý điều chuyển nguồn vốn sang năm 2026 để có thể tiếp tục thực hiện được ngay Chương trình này.