(Tổ Quốc) - Huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đang tập trung huy động các nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh giảm nghèo hiệu quả, bền vững, để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Đồng hành với người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu có 12 bản, 1.070 hộ, gần 4.450 nhân khẩu, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, chuyển đổi cây trồng, đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế.
Hiện nay, bà con trồng hơn 230 ha mía, 373 ha xoài, 163 ha nhãn, 117 ha chuối và gần 50 ha cây ăn quả khác; tổng sản lượng nông sản đạt gần 23.500 tấn. Duy trì 33.172 con gia súc, gia cầm; nuôi 38 ha thủy sản.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Sặp Vạt Trần Văn Hoàng cho biết: Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, xã đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; huy động mọi nguồn lực và phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm còn trên 14%. Xã đã hoàn thành các tiêu chí để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Còn xã Viêng Lán có 5 bản, 605 hộ. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 40%. Trước tình hình đó, xã vận động nhân dân tích cực sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn, chuối...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Viêng Lán, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, xã mở 15 lớp tập huấn, cho gần 1.000 lượt người về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; triển khai mô hình bao trái xoài tại các bản Kho Vàng, Mường Vạt; hỗ trợ bò cái sinh sản cho 12 hộ. Tạo điều kiện cho 283 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng dư nợ trên 25,4 tỷ đồng. Hiện nay, xã trồng trên 130 ha cây ăn quả; đàn gia súc, gia cầm trên 26.500 con; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 60 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%.
Giai đoạn 2021-2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Yên Châu đã đầu tư xây dựng 22 công trình; duy tu, bảo dưỡng 15 công trình tại 10 xã đặc biệt khó khăn; xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ tại các xã.
Từ đầu năm đến nay, huyện hỗ trợ đào tạo việc làm cho 2.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn; đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức mở 19 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn; hỗ trợ kết nối việc làm thành công gần 10.000 lao động, trong đó, trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn; tư vấn, giới thiệu lao động đi đào tạo và giải quyết việc làm cho 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Châu Vì Văn Ngọc cho biết, thực hiện Đề án "Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025", đến tháng 11/2023, huyện huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa 996 nhà tạm cho các hộ nghèo.
Hiện nay, trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 27,75%... Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh giảm nghèo hiệu quả, bền vững, để "không ai bị bỏ lại phía sau".