(Tổ Quốc) - Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020; Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội; Trong quý 1/2020, đã có khoảng 33,7 nghìn lượt khách đến tham quan các điểm di tích là những thông tin văn hoá tiêu biểu tại các tỉnh: Sơn La; Bắc Kạn và Điện Biên.
Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020
Sở VHTTDL Sơn La đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020.
Theo đó, Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức các hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình tại tỉnh và hướng dẫn thực hiện tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các cơ quan, tổ chức, của từng gia đình, cá nhân đối với việc tổ chức, triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Nội dung phối hợp cụ thể, bao gồm: Phòng ngừa bạo lực gia đình; Thực hiện các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Thống kê, báo cáo số liệu về phòng chống bạo lực gia đình; Thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các hoạt động phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện trên cơ sở tiết kiệm, nghiêm túc, đúng quy định hiện hành và đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bắc Kạn: Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội
Sau 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở cơ bản đã bám sát các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và của tỉnh để kịp thời tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Qua đó đã góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và rèn luyện thể chất cho nhân dân.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cộng đồng, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao đã được các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết bị cần thiết để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở đạt hiệu quả. Đội ngũ cán bộ công chức phụ trách công tác văn hoá, thể thao tại cơ sở được các địa phương quan tâm bố trí đủ nhân lực. Các hoạt động văn hoá, thể thao được duy trì tổ chức qua đó đã tìm kiếm, phát hiện ra các hạt nhân có tiềm năng, năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng. Thông qua các hoạt động, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Trong quý 1/2020, tỉnh Điện Biên đã đón khoảng 33,7 nghìn lượt khách đến tham quan các điểm di tích
Theo thông tin được đăng tải Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên, dự ước trong quý 1/2020, toàn tỉnh đã đón khoảng 33,7 nghìn lượt khách đến tham quan các điểm di tích, trong đó, có trên 1,5 nghìn lượt là khách nước ngoài.
Từ đầu năm 2020, nhiều hoạt động đã được Ban Quản lý Di tích triển khai hiệu quả như: xây dựng và triển khai Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; phối hợp với các chiến sỹ Trung đoàn 82 tiến hành vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường các điểm di tích; mời các Sở ngành chức năng kiểm tra, đánh giá hiện trạng các điểm di tích thành phần thuộc di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ;…
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng: kế hoạch thực hiện bảo quản sơ bộ hiện vật ngoài trời tại các điểm di tích; kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên phủ đến năm 2030; Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trình UBND tỉnh; …