(Tổ Quốc) - Sáng 22/3, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM), Sở VHTT TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu "Những bông hoa trên tuyến lửa 1C" với các Thanh niên xung phong (TNXP) một thời hoa lửa tại chiến trường miền Nam.
Chương trình "Những bông hoa trên tuyến lửa 1C" là cơ hội gặp gỡ lại những nữ cựu Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C. Đó là những nhân chứng của lịch sử đã can đảm và đầy nhiệt huyết, góp phần cung cấp đạn được, vũ khí, thông tin... cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Đặc biệt, chương trình nhằm phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, là cầu nối giúp các cấp chính quyền tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách tồn đọng đối với cựu TNXP.
Theo lời kể, tuyến đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, qua lộ Cái Sắn… về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng). Tuyến đường này được xây dựng để cung cấp hậu cần và hỗ trợ quân sự cho các lực lượng cách mạng vì vậy thường xuyên bị giặc đánh phá.
Những người trên tuyến đường 1C đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ bom đạn, mìn và các cuộc tấn công đột kích từ quân đội Mỹ. Trong hơn 800 người làm nên huyền thoại trên tuyến đường ấy có đến 2/3 là những cô gái từ 15 - 20 tuổi. Trong vị thế những người làm chủ núi rừng, làm chủ kênh rạch, làm chủ chiến trường, một đoàn người trẻ măng, phần lớn là "con gái mảnh mai", lưng tải hàng, vai mang súng, băng đạn và hũ pháo, lựu đạn thắt quanh người, dãi nắng dầm mưa, ngày đêm lội suối tạo nên những lối mòn trên đất mẹ, hằn sâu vết chân đi vào lịch sử.
Trong sự kiện, 5 nữ chiến sĩ tiêu biểu, là những người có công lao to lớn trên tuyến đường 1C và cũng là những số phận may mắn vượt qua cuộc chiến tàn khốc ấy, đã ngồi xuống kể những câu chuyện lịch sử huy hoàng mà thấm đượm sự đau thương.
Những nữ TNXP xúc động nhớ lại, với tình yêu đồng bào và Tổ quốc, họ đã xung phong ra tuyền tuyến ở độ tuổi đôi mươi. Tại độ tuổi xuân thì, họ phải đánh đổi rất nhiều thứ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đầu tiên chính là mái tóc. Các nữ TNXP phải cắt đi tóc của mình để tiện di chuyển và ngụy trang trong rừng. Thứ hai là ước mơ, là khát vọng của tuổi trẻ về lý tưởng, về tình yêu.
Với họ - nữ TNXP lúc đó có rất nhiều ước mơ. Nhưng trước hết để thực hiện được ước mơ đó, họ đã sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, với lời thề ‘thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Điều đó trở thành động lực cho các TNXP dù bất cứ gian khổ nào, dù chiến trường có ác liệt như thế nào vẫn sẵn sàng lấy tiếng hát át tiếng bom để những TNXP vững vàng.
Tiếp tục chương trình là những câu chuyện có vui, có buồn kể về chiến tranh trên tuyến đường 1C hay đơn giản là những chia sẻ cá nhân về cuộc sống tại tuyền tuyến của nhóm cô gái trẻ. Dù biết chiến tranh khốc liệt, cuộc sống thiếu thốn bộn bề nhưng không bao giờ mất đi nhiệt huyết.
Cũng nhân dịp này Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ công bố hai trưng bày chuyên đề "Yểu điệu thục nữ" là sự kết hợp của bảo tàng với các nhà sưu tập từ Nam đến Bắc với hơn 500 hiện vật. Tiếp đến là "Bộ sưu tập trang sức phụ nữ dân tộc của Nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng". Phần lớn các hiện vật đều nguyên vẹn, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng thức.