(Tổ Quốc)- Một công ty khởi nghiệp phần mềm công nghệ ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính vừa gọi vốn thành công trị giá 250 triệu USD ở vòng Series B từ các quỹ quốc tế.
- 20.10.2021 Start-up Việt lọt vào vòng chung kết giải thưởng công nghệ Đông Nam Á
- 15.09.2021 Start-up tiền số Nether NFT mã hóa thành công nhân cách con người trên Blockchain
- 01.09.2021 Shark Nguyễn Xuân Phú: Rót vốn hỗ trợ start-up chỉ là một phần, chưa phải ý nghĩa lớn nhất của Shark Tank Việt Nam
- 09.08.2021 Thẩm định start-up, cả dàn Shark vô tình để lộ có chung thói quen "không để tiền tiết kiệm", riêng Shark Phú phát biểu đầy tự hào "ăn uống đã được vợ bao"
VNLife, một công ty khởi nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới, vừa nhận vốn trong vòng Series B với khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD.
Thương vụ này được HSBC Việt Nam hỗ trợ dịch vụ ngoại hối và công bố.
Khoản đầu tư lần này sẽ được VNLife sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng các mảng kinh doanh hiện tại và hỗ trợ phát triển nền tảng cũng như công nghệ mới, nhằm phục vụ tốt hơn các đối tác bán hàng và người tiêu dùng Việt Nam.
Tại Việt Nam, VNLife được biết đến là đơn vị vận hành VNPAY-QR, mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt liên kết lớn nhất Việt Nam, với 22 triệu người sử dụng và hơn 150.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Năm 2019, một số nguồn tin cho biết VNLife nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC và SoftBank Vision Fund 1.
Tuy nhiên, công ty này không công bố thông tin chính thức về vòng gọi vốn tại thời điểm đó.
Nguồn vốn huy động trong vòng Series B sẽ được VNLife sử dụng để tận dụng hơn nữa các cơ hội thị trường rộng lớn trong bối cảnh việc số hóa đang ngày một phát triển ở Việt Nam.
VNLife ra đời năm 2007, do ông Trần Trí Mạnh và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Ông Mai Thanh Bình là cựu CEO của Vietnam Esports (nay thuộc sở hữu của Sea Group), một trong những công ty game lớn nhất cả nước.
Mảng kinh doanh cốt lõi của VNLife là VNPay, đơn vị vận hành ứng dụng di động của 22 ngân hàng trong nước, bao gồm các nhà băng hàng đầu như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Theo VNLife, các ứng dụng ngân hàng này cho phép hơn 15 triệu người dùng hàng tháng chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền vào điện thoại di động, đặt vé xe buýt và thậm chí mua sắm hàng tạp hóa.
Công ty cũng điều hành VNPay-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 người bán.
Các công ty con khác của VNLife bao gồm VNTravel và một bộ phận bán lẻ mới nhằm giúp các doanh nghiệp số hóa các dịch vụ của mình.
Báo cáo 2020 của Google, Temasek và Bain Company về nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã công nhận VNLife là kỳ lân công nghệ thứ hai của Việt Nam sau VNG.
Theo Tech In Asia, với nguồn vốn mới, VNPay đã vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong ngành thanh toán kỹ thuật số về nguồn vốn bảo đảm. Mặc dù bản thân VNPay không hoạt động giống như ví điện tử nhưng VNPay-QR vẫn đang cạnh tranh người dùng và người bán với các ví kỹ thuật số như MoMo hay Moca.
Đầu năm nay, đối thủ của VNPay là MoMo đã công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series D, nâng tổng số vốn đầu tư nhận được đến nay lên 232,7 triệu USD, theo dữ liệu của Tech In Asia.
Mới đây, MoMo cũng mua lại một startup AI để tận dụng tốt hơn dữ liệu của 25 triệu người dùng đã đăng ký.
Ước tính khoảng 70% dân số Việt Nam vẫn còn hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
"Điều này có nghĩa là cánh cửa vẫn rộng mở cho những doanh nghiệp có thể dạng hóa các dịch vụ tài chính của họ và kiếm tiền từ dữ liệu một cách hiệu quả", Tech In Asia nhận định.
HSBC Việt Nam cho biết giao dịch triển khai thành công sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, sự thành công của giao dịch này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành công nghệ tài chính (fin-tech) của Việt Nam, ngôi sao đang lên trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới.
Số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fin-tech ở Việt Nam đã tăng 215% trong khoảng thời gian từ 2015-2020, theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020, trong đó thanh toán vẫn là mảng lớn nhất, chiếm 31% trong số các công ty khởi nghiệp fin-tech.
Với các nền tảng này, đại diện HSBC Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các công ty công nghệ giàu tiềm năng của Việt Nam, bất kể họ đang ở vòng gọi vốn nào, nhằm tạo ra ngày càng nhiều "kỳ lân" mới cho Việt Nam.
Đây là một phần trong chiến lược hỗ trợ đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp của ngân hàng này.