• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự cố vỡ đập thuỷ điện ở Lào: Bài học cho Việt Nam

Thời sự 26/07/2018 16:18

(Tổ Quốc) - PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, trong thiết kế, thi công đập thuỷ điện cần phải lường trước được yếu tố mưa liên tục, hoặc nếu mưa to dài ngày thì phải có kinh nghiệm xử lý...

Sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy (Lào) trong giai đoạn đang thi công đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây là bài học cho Việt Nam trong công tác xây dựng, quản lý và vận hành các hồ thuỷ điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Năm 2017, mưa liên tục, lượng nước về lớn khiến hồ thủy điện Hoà Bình lần đầu tiên trong lịch sử phải liên tục 8 cửa xả đáy.     Ảnh: Nam Nguyễn

 

Trao đổi với báo Điện tử Tổ Quốc, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, Việt Nam có rất nhiều hồ, đập bởi hiện nguồn điện từ đây đóng góp trên dưới 40% sản lượng điện cho đất nước. Lượng hồ, đập của chúng ta hầu như đã xây dựng xong và hiện chỉ còn vận hành sao cho an toàn. Việt Nam có một số hồ thuỷ điện lớn trên 1 tỷ m3 dung tích chứa như: hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La trên 9 tỷ m3, hồ thuỷ điện Lai Châu, Tuyên Quang, hồ thuỷ điện Trị An...

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, vỡ đập thuỷ điện có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào và đây là một thảm hoạ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vỡ đập, trong đó có nguyên nhân liên quan đến khâu thiết kế, thi công, vận hành.

“Chẳng hạn trong thiết kế, thi công nếu không lường trước được mưa liên tục thì hậu quả là nước tràn qua đập và vỡ. Hoặc thiết kế, thi công tốt nhưng nếu mưa dài ngày, lượng nước nhiều mà không đủ kinh nghiệm xử lý thì cũng sẽ dẫn đến vỡ đập”, PGS. TS Đào Trọng Tứ phân tích.

Nhấn mạnh rằng, nếu mưa liên tục và dài ngày thì rất khó kiểm soát, nhưng theo PGS. TS Đào Trọng Tứ, cần phải cố gắng giảm thiểu những nguy hại có thể xảy ra. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề cảnh báo, di dân.

Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực này, chính quyền...phải có biện pháp đúng đắn trong cảnh báo, di dân.

“Vấn đề xả lũ phải theo quy trình. Xả lũ như thế nào? Thông báo cho người dân thế nào? Không chủ quan được. Phải cảnh báo sớm cho dân. Sự cố ở Lào vừa rồi là cảnh báo cho dân chậm”, PGS. TS Đào Trọng Tứ nói.

Còn nhớ bài học xả lũ năm ngoái tại hồ Thuỷ điện Hoà Bình. Khi đó lượng nước về lớn khiến hồ thủy điện Hoà Bình lần đầu tiên trong lịch sử phải liên tục 8 cửa xả đáy. Sau đó, hồ thủy điện Sơn La phải ngừng phát điện để cắt lũ cứu hồ Hoà Bình. Rất hiếm khi chỉ trong vòng 1,5 ngày mà lượng mưa trên toàn vùng bình quân đạt 100mm, nhiều nơi lên tới 300-400mm. Riêng trong ngày 10/10, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên cao trình 117m, trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s.

Khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: “Đây là một trạng thái mưa rất lớn chưa từng thấy trong nhiều năm nay, nguy cơ đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, các hệ thống đê, dân cư vùng trũng và sản xuất nông nghiệp”.

PGS. TS Đào Trọng Tứ cho rằng, an toàn đập rất quan trọng, chỉ cần vài nghìn m3 nước đổ xuống từ hồ đập là những hộ dân sống phía dưới hồ đập lâm nguy. Đập thuỷ điện ở Lào vỡ, hàng vạn m3 nước đổ xuống khiến dân cư quanh đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm người chết và mất tích. Trên 6.000 gia đình mất nhà cửa...

Thuỷ điện Hoà Bình.  Ảnh: Nam Nguyễn

 

Việt Nam là nước cuối cùng ở hệ thống sông Mekong, trong khi các nước thượng nguồn sông Mekong như: Lào, Campuchia, Trung Quốc đều xây dựng rất nhiều đập trên thượng nguồn. Việt Nam phải gánh chịu toàn bộ hậu quả từ các đập thuỷ điện thượng nguồn, nếu chẳng may xảy ra sự cố. Vì thế, các quốc gia trên lưu vực sông Mekong nếu không thông báo kịp thời cho nhau thì ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Ngay trong nước, PGS. TS Đào Trọng Tứ cũng cho biết, vì Việt Nam xây dựng nhiều đập thuỷ điện, thuỷ lợi nên câu chuyện quan trọng là phải có cảnh báo kịp thời từ phía thượng lưu đối với hạ lưu, phải vô cùng thận trọng bởi cái giá phải trả là quá đắt. Đặc biệt, những hồ chứa 1 tỷ m3 nước nếu xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm.

Theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 1.200 hồ chứa thuỷ lợi đang xuống cấp nghiêm trọng, lại đang trong mùa mưa lũ. Chính vì vậy, PGS. TS Đào Trọng Tứ khuyến cáo cơ quan chức năng cần phải dành nhiều quan tâm hơn nữa cho công tác di dân, không thể để tình trạng xảy ra sự cố mới đi giải quyết sẽ gây hậu quả đáng tiếc./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ