• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sử dụng da heo trong chế tạo giác mạc cấy ghép, các nhà khoa học lấy lại được thị lực cho bệnh nhân khiếm thị

Sức khỏe 20/08/2022 15:28

(Tổ Quốc) - Đột phá có tiềm năng giúp lấy lại thị lực cho những cá nhân sống trong bóng tối từ thuở lọt lòng.

Trong một thử nghiệm chữa bệnh hỏng giác mạc trên 20 người, các nhà khoa học đã thành công bước đầu khi sử dụng những mô cấy làm từ da heo.

Những người bệnh/người tham gia thử nghiệm tới từ khu vực Iran và Ấn Độ đều bị suy giảm thị lực do chứng giác mạc hình chóp (keratoconus), khiến cho lớp ngoài cùng của mắt mỏng nhanh chóng theo thời gian và chìa ra ngoài. Trong số các bệnh nhân có 14 người mù hoàn toàn trước khi được cấy mô, nhưng thị lực của họ đã được cải thiện rõ rệt sau 2 năm điều trị. Có những người lấy lại một phần, lại có những người lấy lại được toàn bộ thị lực. Sau phẫu thuật, có 3 bệnh nhân đã phục hồi 100%, với hai mắt 10/10.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với mức độ cải thiện thị lực của bệnh nhân”, Neil Lagali, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư khoa mắt thử nghiệm Đại học Linköping, cho hay.

Sử dụng da heo trong chế tạo giác mạc cấy ghép, các nhà khoa học lấy lại được thị lực cho bệnh nhân khiếm thị - Ảnh 1.

Con mắt của một người bị chứng giác mạc hình chóp. Ảnh: AOA.org

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn chứng kiến thị lực của mình phục hồi một cách kỳ diệu. Sau phẫu thuật, vẫn có tới 12 bệnh nhân gốc Iran chỉ đạt được độ tinh tường trung bình, khoảng 20/58 khi đeo kính và khoảng 20/40 (hoặc hơn) khi đeo kính áp tròng.

Dù vậy, các chuyên gia trong ngành vẫn hứng khởi với những thành công có được từ da heo. Giáo sư khoa mắt Marian Macsai, người không tham gia nghiên cứu khẳng định đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời những người kém may mắn sở hữu giác mạc hình chóp. Cứ 100.000 người, khoảng 50-200 người sẽ mắc phải chứng bệnh dị thường; hơn nữa phương pháp chữa trị mới còn có tiềm năng áp dụng vào chữa trị những bệnh về mắt khác.

Khả năng dùng kỹ thuật sinh học để tạo ra giác mạc có thể mang tính cách mạng”, giáo sư Macsai nói. “Nó có thể loại bỏ hoàn toàn nguy hại từ liệu pháp tiêm, và có thể tạo ra đủ giác mạc cho mọi bệnh nhân trên thế giới”.

Để tạo ra mô cấy, giáo sư Lagali và cộng sự hòa tan mô da heo trong dung dịch collagen tinh khiết. Chính từ tổ hợp chất này, các chuyên gia tạo ra một loại gel hydro vận hành tương tự giác mạc con người. Ca phẫu thuật sẽ yêu cầu bác sĩ khéo léo lồng số gel hydro này vào mắt bệnh nhân, làm dày lớp giác mạc hỏng.

Sử dụng da heo trong chế tạo giác mạc cấy ghép, các nhà khoa học lấy lại được thị lực cho bệnh nhân khiếm thị - Ảnh 2.

Giác mạc được làm từ collagen trong da heo. Ảnh: Thor Balkhed/Đại học Linköping.

Thông thường, việc ghép mô giác mạc sẽ cần mô người, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hiến xác sau khi qua đời. Đó là lý do giáo sư Lagali đi tìm một giải pháp thay thế rẻ và hiệu quả hơn.

Collagen từ da heo là phụ phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm. Điều đó khiến chúng rất sẵn và dễ thu thập”, giáo sư nói.

Hai năm sau phẫu thuật, cơ thể bệnh nhân không hề sinh ra phản ứng thải trừ, mắt người bệnh cũng không hề sưng hay có vết sẹo. “Nhìn chung, cơ thể thích ứng với mô heo khá dễ dàng”, giáo sư Uri Soiberman nhận định. Dù không tham gia nghiên cứu nhưng với kiến thức sâu rộng, ông nhận định rằng phản ứng thải hồi sẽ thường xảy ra trong vòng một năm sau phẫu thuật.

Nhưng cũng giống đa số các ca phẫu thuật mang tính thử nghiệm khác, rủi ro vẫn thường trực. Theo lời giáo sư Soiberman, collagen ngoại lai có thể gây ra phản ứng miễn dịch. Các nhà khoa học đã phải kê cho người bệnh lượng thuốc nhỏ mắt ức chế hệ miễn dịch đủ dùng trong 8 tuần, tuy nhiên số thuốc này vẫn ít hơn người bệnh ghép mô có nguồn gốc con người.

Theo lời giáo sư Lagali, mô cấy của nhóm nghiên cứu không chứa tế bào, nên khả năng kích ứng hệ miễn dịch hầu như không có. Bên cạnh đó, tốc độ phẫu thuật sử dụng mô từ da heo nhanh hơn hẳn. Mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài 30 phút, trong khi đó việc cấy mô người sẽ cần nhiều giờ đồng hồ.

Sử dụng da heo trong chế tạo giác mạc cấy ghép, các nhà khoa học lấy lại được thị lực cho bệnh nhân khiếm thị - Ảnh 3.

Những vết khâu vương lại sau một ca mổ ghép giác mạc. Ảnh: Reddit.

Trong những ca phẫu thuật cấy giác mạc cơ bản, bác sĩ sẽ dùng dao chuyên dụng mở mắt, cắt bỏ những phần mô đã hư hại hoặc nhiễm bệnh, rồi sau đó thay thế bằng mô hiến. Tuy nhiên, phương pháp này xâm lấn đặc biệt sâu, đồng thời “loại bỏ một số tế bào và dây thần kinh quan trọng vốn vẫn mạnh khỏe”, ông Lagali nhận định. Chi phí ca mổ rất cao, số tạng được hiến rất thấp là những lý do khiến bệnh nhân các khu vực Châu Á, Châu Phi và Trung Đông phải sống với thị lực kém. Theo lời các nhà nghiên cứu, chỉ có duy nhất 1 giác mạc trên 70 bệnh nhân chờ ghép tạng.

Với giá thành thấp và quy trình phẫu thuật bớt phức tạp, phương pháp mới có thể cứu giúp hàng triệu đôi mắt toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu vẫn còn nhiều hạn chế. Ta chưa rõ liệu pháp điều trị có thể được áp dụng cho những người mắc các bệnh giác mạc khác ngoài chứng giác mạc hình chóp.

Giáo sư Lagali mong muốn có thể tiếp tục thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân hơn, để có đủ tiền đề giúp phương pháp chữa trị mới được chính thức công nhận. Thử nghiệm đã chuẩn bị bước vào giai đoạn 2, với số tình nguyện viên lên tới 40 người. Nếu phương pháp được thông qua, mô heo sẽ giúp người bệnh lấy lại được thị lực đã mất; chúng ta có thể sớm chứng kiến một dây chuyền sản xuất giác mạc sử dụng collagen từ da heo.

Chúng tôi thiết kế ra vật liệu, công nghệ và quá trình phẫu thuật này để ứng dụng cho những khu vực nghèo nàn tài nguyên y tế”, ông Lagali nói. “Đây cũng là những nơi chịu gánh nặng của các bệnh gây mù lòa, khi tỷ lệ mắc bệnh ở các khu vực này rất cao”.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Biotechnology.

Theo NBCNews, IndiaExpress, The Print

Kim

NỔI BẬT TRANG CHỦ