(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết số 412/2017/UBTVQH14 ngày 24/7/2017 của UBTVQH về Chương trình giám sát của UBTVQH năm 2018, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 424/NQ-UBTVQH14 ngày 23/8/2017 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.
Đến nay, đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã chủ động rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác vận động nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và các thủ tục quản lý đầu tư, điều hành các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài do địa phương quản lý, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Trong giai đoạn 2011-2016, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các nghị định hướng dẫn liên quan đến nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ khâu lựa chọn và xây dựng dự án, tổ chức thực hiện và quản lý, đến khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn một số quy định chưa thống nhất, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa bảo đảm tính ổn định…
Về hiệu quả, các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Dù vậy, việc huy động nguồn lực ODA còn chưa có chiến lược, mang tính căn cơ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm…
Đặc biệt, qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể.
Về định hướng huy động ODA trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, giai đoạn tiếp theo (2021-2025) Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, theo đó, nguồn vốn ODA giảm dần (tốt nghiệp IDA năm 2017, tốt nghiệp ADF từ năm 2019), xu hướng phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn, trong khi nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần.
Đoàn giám sát kiến nghị một số định hướng căn bản, trong đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định của Hiến pháp, Luật NSNN và các văn bản pháp luật liên quan. Huy động vốn vay phải được kế hoạch hóa, gắn kết đồng bộ với Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch vay, trả nợ quốc gia phải bảo đảm khả năng trả nợ, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ để tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực có tính đột phá, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đối với nợ công.
Chủ động ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, lập phương án đầu tư, giữ vị thế của Việt Nam trong đàm phán với các nhà tài trợ để bảo đảm chi phí hợp lý, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bên tiếp nhận vốn./.
Hà Giang (T/h)