(Tổ Quốc) - Có thể nói, sau cây bút lão luyện Trần Đình Ngôn, hiện nay Lê Thế Song là tác giả "đắt giá" đối với sân khấu truyền thống, đặc biệt là sân khấu chèo. Những tác phẩm của anh hiện được nhiều nhà hát dàn dựng, biểu diễn. Anh là một trong vài cây bút hiếm hoi còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống.
Nhân dịp đầu Xuân mới, tác giả Lê Thế Song đã có cuộc trò chuyện cùng Báo điện tử Tổ Quốc về những đam mê và trăn trở với nghề.
+ Xin chào tác giả Lê Thế Song, anh có thể chia sẻ về cơ duyên đưa anh đến với nghiệp cầm bút viết những kịch bản sân khấu truyền thống hay không?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê châu thổ Sông Hồng (tỉnh Hà Nam). Làng Ngò quê tôi có một chiếu chèo nổi tiếng với câu "Rượu Bèo Chèo Ngò". Những tích cũ, trò diễn dân gian thấm đẫm vào tuổi thơ tôi và tôi yêu chèo từ lúc nào không rõ. Khi lớn lên tham gia nhiều việc sáng tác các bài hát cho Đội Chèo. Tôi kết hợp với bà xã Xuân Hồng đi làm truyền thông nghệ thuật dựa vào cộng đồng, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ đến các tỉnh, các huyện, gặp các tình nguyện viên ở các dự án, đào tạo họ thành diễn viên. Do đó tôi phải tự viết kịch bản, biên đạo, dàn dựng cho các chương trình, có những đêm diễn có hàng chục nghìn khán giả tới xem. Từ Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên…. Từ đó tạo cho tôi vốn sống, đi đâu cũng thâm nhập văn hóa vốn sống vùng đất ấy. Các làn điệu dân ca, di sản văn hóa của từng vùng quê cứ được tôi tích lũy trong người thành cái "vốn".
Năm 2011 bước vào con đường chuyên nghiệp khi tôi và bà xã học lớp Biên kịch kịch hát dân tộc (K31 Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Đây là lớp học được hình thành sau 10 năm mới có 1 khóa đào tạo biên kịch Kịch hát Dân tộc tại Trường ĐHSKĐA Hà Nội. Và cho đến bây giờ, 10 năm sau khi tốt nghiệp chỉ còn hai vợ chồng tôi trong cả lớp là theo nghề viết này.
+ Như anh nói, cả khoa học đào tạo biên kịch Kịch hát Dân tộc chỉ còn anh và bà xã là theo nghề. Điều này có phải do nghề biên kịch, nhất là kịch hát truyền thống rất khó?
- Đúng là không có nghề nào dễ dàng, nhất là nghề biên kịch kịch hát dân tộc. Bản thân tôi thấy ngoài việc chăm chỉ học tập, phải yêu nghề, say đắm với kịch hát dân tộc như tôi yêu sân khấu Chèo từ nhỏ thì mới theo nghề đến bây giờ.
Hai vợ chồng tôi cùng học 4 năm ĐHSKĐA Hà Nội, sau đó học tiếp 3 năm thạc sĩ biên kịch, được các thầy truyền kĩ năng, phương pháp sáng tác, cộng với vốn sống nên mới có chất liệu sáng tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được các thầy trao truyền, động viên khích lệ, viết cả chèo, tuồng và cải lương …
Đều là kịch hát dân tộc nhưng mỗi loại hình có cách thể hiện khác nhau. Đặc biệt nghệ thuật chèo là thuần Việt nhất. Cải lương có thể tiếp thu được tất cả các loại hình. Có một điểm chung là tất cả các tác phẩm kịch hát dân tộc cần phải có lề lối của ngôn ngữ biền ngẫu. Ngôn ngữ này gần với thơ, làn điệu của mỗi loại thì phải học thôi. Có gần 200 làn điệu chèo, 60 – 70 làn điệu tuồng, cải lương khoảng 150 làn điệu phổ biến…. không thuộc hết lời nhưng nghe phải biết được giai điệu và cách sử dụng của nó. Ví dụ Đào liễu, Quân tử dịch, luyện Năm cung như thế nào, lý Sâm thương, lý Năm căn, lý Chiều chiều, lý Ba tri, Phụng hoàng, Nam ai là như thế nào…Phải biết đặc trưng, ngôn ngữ của từng thể lọai và tình huống kịch bản và các lớp diễn, trò diễn.
+ Gắn bó với sân khấu truyền thống, điều anh trăn trở nhất về nghề là gì?
- Bạn biết là hiện nay sân khấu đang gặp khó khăn. Không chỉ giai đoạn Covid-19 vừa qua mà từ trước đó, các nhà hát ở các tỉnh, trung ương không thể sáng đèn liên tục. Ngay các nhà hát lớn như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam mỗi năm chỉ có thể dựng 3 vở là cùng. Và không phải vở diễn nào dựng ra cũng có thể ăn khách. Là một tác giả, tôi thừa nhận rằng sân khấu đang không theo kịp với xu hướng và thị hiếu khán giả hôm nay. Ngay như hình thức thể hiện chúng ta cũng đã bị lỗi nhịp khi tất các các hình thức, công nghệ và truyền thông phát triển quá nhanh. Chỉ cần vào Google, YouTube, Zalo… là đã có nhiều cái để xem.
Tác giả sân khấu không thiếu người có tâm huyết, nhưng kịch bản viết ra không được sử dụng, bởi số lượng vở diễn được dàn dựng ngày càng giảm đi mỗi năm. Tác giả bươn chải với cuộc sống mưu sinh và bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố khiến tác phẩm thiếu lửa, thiếu hấp dẫn. Tôi cho rằng mình là người may mắn khi vợ tôi, thạc sĩ Xuân Hồng, con của cố tác giả cải lương Hoàng Luyện (người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước) luôn ủng hộ. Cô ấy là người thẩm định kịch bản đầu tiên của tôi và sẵn sàng góp ý, đóng góp và thậm chí tranh luận để tôi điều chỉnh và hoàn thiện tác phẩm. Sống trong một gia đình nghệ sĩ, tôi được thừa hưởng kho sách quý của bố vợ với những tác phẩm lớn như Nắng tháng Tám, Bà mẹ bên sông Hồng, Chử Đồng Tử… tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách bố cục, kết cấu kịch bản. Hậu thuẫn và hậu phương như vậy thì không có lý do gì mà tôi không vững bước để theo con đường sáng tác.
+ Theo anh, muốn cho nghệ thuật sân khấu truyền thống đến được với khán giả thì phải làm thế nào?
- Vấn đề cốt lõi sống còn cho một đơn vị nghệ thuật đó là xây dựng được tác phẩm có đời sống bằng những đêm diễn, và điều quan trọng là chất lượng kịch bản, không bột khó gột nên hồ. Hiện nay, sân khấu đang bị áp lực bởi sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Hình thức dàn dựng sân khấu vẫn không khác gì hàng chục năm trước, đó là một thực tế. Điều quan trọng theo tôi chính là sân khấu đang thiếu khâu quảng bá. Tôi rất thích cách tiếp thị sân khấu tư nhân của NSND Lệ Ngọc: thẩm định kịch bản kỹ, đồng thời lựa chọn đạo diễn, diễn viên cộng tác cũng rất cẩn trọng, khi vở diễn ra mắt được quảng bá rất đẹp trên web, có trailer giới thiệu.…
Trong điều kiện hoạt động sân khấu khó khăn bởi dịch bệnh, mọi hoạt động nghệ thuật biểu diễn đều tạm dừng. Theo tôi, trong cái khó sẽ ló cái khôn, các nhà hát và các đoàn nghệ thuật cũng nên tính tới cách làm online, xây dựng các trích đoạn hấp dẫn giới thiệu trên các kênh YouTube, Zalo, Facebook… để tiếp cận khán giả. Từ những trích đoạn ngắn hấp dẫn, khán giả sẽ tìm tới nhà hát để xem trọn một tác phẩm. Mặt khác, Đài Truyền hình VN và các kênh truyền hình, phát thanh cũng cần tính tới việc thu lại toàn bộ chương trình, tác phẩm để giới thiệu cho khán thính giả cả nước. Không đến được rạp hát xem thì khán giả có thể xem sân khấu qua các nhà đài, tác phẩm sẽ không chịu cảnh bị "xếp kho" vì dịch bệnh.
+ Trong năm mới 2022, anh mong muốn điều gì?
- Tôi mong muốn trong năm 2022, đầu tiên là dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường. Sau đó là mong tôi có thể viết nhiều hơn nữa những tác phẩm nói về các danh nhân văn hóa, các anh hùng dân tộc dựng nước và giữ nước, các lãnh tụ cách mạng, các danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước…
Tôi dự kiến bên cạnh các tác phẩm sân khấu chuyên nghiệp là Tuồng, Chèo, Cải lương tôi sẽ viết các bài ca cổ về các tỉnh thành mà tôi đã tới như Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh… và một tác phẩm về mùa xuân Tết Nguyên đán do NSND Thanh Tuấn – một giọng ca tượng đài của nghệ thuật cải lương ca với nghệ sĩ Xuân Hồng. Hiện nay tôi đã viết bài ca cổ về 5 tỉnh: Hưng Yên quê mẹ, Hà Nam khúc hát ân tình, Về Kiên Giang quê em, An Giang đất ấm tình người, Bến Tre mừng xuân ơn Đảng… mục tiêu của tôi sau này tôi sẽ viết tiếp về con người và danh thắng các tỉnh trong cả nước trong những năm tiếp theo.
+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!