Tái hiện Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái ngay tại Hà Nội
Thực hiện: Bảo Trung | 02/01/2025
(Tổ Quốc) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đang tổ chức các hoạt động với chủ đề Xuân về trên bản làng. Sự kiện giới thiệu hoạt động đón xuân đầu năm cùng nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Lễ “mừng cơm mới” là nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Lễ mừng cơm mới là một trong những lễ quan trọng và linh thiêng nhất trong một năm, được bà con chuẩn bị chu đáo, từ chọn ngày, chuẩn bị lễ vật, đặc biệt không thể thiếu rượu cần để mời khách tới dự lễ.
Mâm cúng đủ đầy thịt gà, thịt lợn, xôi nếp, hoa quả…. Ẩm thực dâng lên thần linh, tổ tiên và đãi khách rất quan trọng, nên phải chuẩn bị chu đáo.
Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, chiếc khăn Piêu chứa đựng nhiều ý nghĩa đời sống và tâm linh sâu sắc. Khăn Piêu và vòng bạc cũng được chuẩn bị để dâng lễ.
Trong lễ “mừng cơm mới”, thầy mo và gia chủ cùng thực hiện nghi thức cúng. Mục đích chính của Lễ mừng cơm mới là nhằm cảm ơn tổ tiên, những người được con cháu “nhờ trông nom” nương rẫy, cảm tạ các vị thần linh và mừng mùa màng thắng lợi, mưa thuận, gió hòa, cầu cho con cháu khỏe mạnh, đoàn kết, nhà nhà hạnh phúc, quốc thái dân an.
Thầy mo đọc bài khấn kể về quá trình trời đất sinh ra, con người vật lộn với thiên nhiên khốc liệt, khai phá đất đai làm nên ruộng đồng, để con cháu lao động sản xuất làm ra hạt gạo cúng tổ tiên.
Khi nghi lễ kết thúc, gia chủ mời khách cùng thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn và uống rượu cần, các du khách cùng tham gia nhảy sạp.
Những điệu múa xòe, các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm và gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Lễ mừng cơm mới của người Thái có nhiều nét đặc trưng khác nhau tùy vùng miền.
Tuy nhiên, lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái với các nghi thức truyền thống và không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Các chàng trai, cô gái Thái diện trang phục truyền thống, cùng nhau múa hát những điệu dân ca vui tươi.
Các trò chơi đánh đu, kéo co, chọi gà... tạo không khí vui nhộn, sôi động.
Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống được chế biến từ gạo mới như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng...