• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao 3/4 CEO Việt Nam “đăng đàn” với TT Trump là nữ?

Kinh tế 08/11/2017 11:14

(Tổ Quốc) - Trong số 4 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao Việt Nam tham gia phát biểu tại APEC CEO Summit lần này, có đến 3 người là nữ.  

Diễn ra trong 2 ngày 8 & 9/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (APEC CEO Summit) 2017 là một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017. Gần 1.000 nhà lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, công ty lớn đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình và thế giới sẽ cùng thảo luận về các vấn đề nóng trong các mục tiêu APEC, cũng như tương lai kinh tế khu vực.

Trong số bốn CEO đại diện cho Việt Nam có bài phát biểu trong các phiên đối thoại của hội nghị lần này, có tới ba nhà lãnh đạo nữ. Đó là: (1) Bà Dương Thị Mai Hoa (TGĐ Tập đoàn Vingroup) tham gia trong phiên đối thoại thứ 4 mang chủ đề “Người tạo việc làm mới”; (2) Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ Vietjet Air) tham gia trong phiên đối thoại thứ 5 mang chủ đề “Kết nối để tăng trưởng” và (3) Bà Thái Hương (Chủ tịch HĐQT THmilk) tham gia trong phiên đối thoại thứ 11 mang chủ đề “Hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững”.

 Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - TGĐ Vietjet Air

Sự xuất hiện cùng lúc của 3 người phụ nữ “quyền lực” nhất nhì giới doanh nghiệp Việt Nam trong một hội nghị tầm cỡ như APEC CEO Summit, có thể được coi là một minh chứng hùng hồn cho thấy, nước chủ nhà đã có những bước tiến lớn về bình đẳng giới trong kinh doanh.

Tại cả các nền kinh tế đã phát triển và mới nổi, phân biệt giới tính luôn là một trong những thử thách khó vượt qua nhất. Bên cạnh đó, quấy rối tình dục nơi công sở cũng đang ngày càng trở thành một vấn nạn nghiêm trọng với số lượng các vụ scandal quấy rối tình dục không ngừng gia tăng trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, so với các quốc gia châu Á khác, Việt Nam có được kết quả khá tốt trong các chỉ số đo lường mức độ bình đẳng giới trong kinh doanh. Một nghiên cứu của Deloitte cho thấy, tại Việt Nam, phụ nữ giữ khoảng 17,6% số lượng ghế trong hội đồng quản trị của các công ty. Tỷ lệ này đã vượt qua mức trung bình của thế giới (15%) - giúp Việt Nam được xếp hạng cao hơn hai quốc gia láng giềng là Singapore (9,4%) và Trung Quốc (9,2%).  

Trong một bài viết hồi tháng Tám, tạp chí điện tử chuyên về kinh doanh công nghệ của Mỹ Techcrunch đánh giá, phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.  Báo cáo năm 2016 của Sáng kiến kinh doanh Mekong (MBI) - một dự án hợp tác giữa Ngân hàng phát triển châu Á và chính phủ Australia, chỉ ra, khoảng 25% các doanh nghiệp SME của Việt Nam hiện do phụ nữ làm chủ. Trong khi đó, tại Nam Á, tỷ lệ này chỉ vỏn vẹn có 8%. Phụ nữ Việt Nam hiện đang giữ các vị trí điều hành cấp cao tại nhiều công ty trên các lĩnh vực khác nhau, từ bán lẻ cho đến nông nghiệp, trong đó, không thể không nhắc tới các startup.

Một trong những định hướng chính mà APEC 2017 hướng tới để tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu là hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tăng cường năng lực canh tranh, sáng tạo và tham gia chuối giá trị toàn cầu.

Theo dự kiến, bên cạnh các bài tham luận từ các lãnh đạo doanh nghiệp, APEC CEO Summit cũng sẽ có sự tham dự và phát biểu của một số nguyên thủ các nền kinh tế thành viên, bao gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ