(Tổ Quốc) - Một đường ống khí đốt tự nhiên mới từ Nga tới Đức và sau đó là châu Âu đang làm rung chuyển bối cảnh địa chính trị.
Dự án Nord Stream 2 đã khiến các nhà lãnh đạo ở Đông Âu lo lắng và đặt Thủ tướng Đức Angela Merkel lên "ghế nóng". Sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, dự án này có thể trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới từ Hoa Kỳ.
Nord Stream 2 là đường ống dưới biển dài 1.230 km (764 dặm) theo kế hoạch sẽ mang khí đốt tự nhiên của Nga đến bờ biển Baltic của Đức và đi vào mạng lưới châu Âu. Dự án này sẽ tăng gấp đôi công suất của tuyến đường ống Nord Stream dưới biển hiện tại - đã khai trương vào năm 2011. Gazprom PJSC của Nga sở hữu dự án này, liên doanh cùng Royal Dutch Shell Plc và bốn nhà đầu tư khác, trong đó có Uniper SE và Wintershall AG của Đức. Tính đến đầu tháng 6, đường ống này đã được xây dựng hơn 57%, Gazprom cho biết.
Gazprom đã nhận được giấy phép môi trường và xây dựng từ Đức, Phần Lan và Thụy Điển nhưng đã gặp khó khăn từ Đan Mạch. (Đường ống sẽ đi qua các khu vực kinh tế của bốn quốc gia đó, cùng với Nga.) Cơ quan Năng lượng Đan Mạch vào tháng 3 này đã yêu cầu Gazprom đưa ra các lựa chọn định tuyến lại đường ống do những lo ngại về môi trường, một yêu cầu mà Nord Stream 2 gọi là cố tình trì hoãn việc hoàn thành dự án. Giám đốc điều hành Alex Gazprom Alexey Miller cho biết hồi tháng Năm rằng Nord Stream 2 có thể gặp phải sự chậm trễ "không đáng kể" và khó đi đúng kế hoạch hoàn thiện vào cuối năm 2019. Đây là một sự thừa nhận hiếm hoi từ gã khổng lồ khí đốt Nga khi lâu nay luôn nói dự án này sẽ hoạt động đúng tiến độ.
Dự án đường ống Nord Stream 2 đang vấp phải nhiều sự phản đối từ Mỹ và 1 số nước Đông Âu.
Nước cờ năng lượng Nga – Mỹ
Trước khi có dự án Nord Stream đầu tiên, Nga đã gửi khoảng hai phần ba lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu thông qua các đường ống ở Ukraine – nơi Moscow có quan hệ căng thẳng kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Điều đó khiến Gazprom phải đối mặt với rủi ro bị gián đoạn quá trình vận chuyển, như tranh chấp về giá với Ukraine khiến Nga phải ngừng chuyển khí đốt trong 13 ngày vào năm 2009. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi, lên đến đỉnh điểm vào năm 2014. Các dự án Nord Stream chỉ là một phần trong những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Gazprom để đa dạng hóa các lựa chọn xuất khẩu sang châu Âu. Nga hy vọng nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ tăng lên khi một số quốc gia tránh xa năng lượng hạt nhân và than đá, và trong bối cảnh sản lượng khí đốt trong nước của họ giảm.
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thường xuyên lên tiếng chỉ trích sự ủng hộ của Đức đối với Nord Stream 2. Tháng 7 năm ngoái, trước cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump nói rằng Đức đã tự đẩy họ vào vị trí chịu sức ép của Nga. Một nhóm gồm 39 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết vào năm 2018 rằng Nord Stream 2 sẽ khiến các đồng minh của Mỹ trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi sự ép buộc và ảnh hưởng từ Moscow. Ông Trump lập lại lời đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt vào tháng 6 vừa qua dù những mục tiêu nào bị nhắm tới vẫn chưa rõ ràng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ rất muốn tăng doanh số bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Âu. Tuy nhiên, triển vọng này đã bị lu mờ. Khí từ Hoa Kỳ phải được làm lạnh thành dạng lỏng và được vận chuyển trong các tàu chở dầu trên Đại Tây Dương với chi phí lớn. Nguồn cung cấp của Nga chủ yếu đến châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ - và với giá thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, các nhà cung cấp của Hoa Kỳ đã có một số thỏa thuận thành công gần đây với Ba Lan- bên mong muốn nới lỏng sự kìm kẹp của Nga về cung cấp năng lượng.
Cạnh tranh dữ dội tại châu Âu
Các quốc gia ở giữa Nga và Đức lâu nay đã hưởng lợi từ việc thu phí quá cảnh đối với khí đốt đi qua lãnh thổ của họ. Những quốc gia này bao gồm Ukraine, Ba Lan và Slovakia. Họ lo lắng sẽ mất doanh thu và Nord Stream 2 mang đến cho Nga khả năng bỏ qua họ hoàn toàn trong thời kỳ cọ sát chính trị căng thẳng hiện tại.
Gazprom ước tính năm 2018, thị phần của thị trường khí châu Âu tăng từ 34% năm 2017 lên gần dưới 37% do sản xuất tại đây giảm đi. Không phải tất cả các nước đều phụ thuộc như nhau vào nhập khẩu từ Nga. Gazprom vẫn là nhà cung cấp chủ chốt truyền thống cho Phần Lan, Latvia, Belarus và các nước Balkan, nhưng Tây Âu có nguồn khí đốt từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Bắc Phi, Na Uy và Hà Lan, trong khi các quốc gia Nam Âu hầu như không sử dụng khí đốt của Nga. Thị trường châu Âu đã trở nên cạnh tranh hơn trong những năm gần đây khi nguồn cung từ Qatar và các nơi khác đang muốn chen chân vào đây.
Trong khi đó, việc ông Trump nói về các biện pháp trừng phạt Nord Stream diễn ra khi quan hệ Mỹ-Nga đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Phát ngôn viên của ông Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, ngày 12 tháng 6 nói rằng mối đe dọa trừng phạt chính là một dạng thức tống tiền và là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Mối quan hệ giữa ông Trump với bà Merkel cũng căng thẳng. Bộ Kinh tế Đức cho biết họ phản đối các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài và cho rằng dự án với Nga vẫn tuân thủ luật pháp quốc gia và châu Âu.
Xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ chủ yếu tìm đến các khách hàng ở Mỹ Latinh – nơi dễ vận chuyển hơn - hoặc ở châu Á, nơi giá thường cao hơn - mặc dù cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể trở thành một trở ngại. Lượng khí đốt Trung Quốc nhập khẩu của Hoa Kỳ đã giảm kể từ khi Bắc Kinh áp thuế đối với nhiên liệu vào năm ngoái để trả đũa các khoản thuế do chính quyền Nhà Trắng áp đặt.