(Tổ Quốc) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nỗ lực ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Tam Đường là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, có 12 dân tộc cùng sinh sống; trong đó DTTS chiếm 86% dân số toàn huyện.
Trước những ảnh hưởng của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành của huyện Tam Đường đã vào cuộc quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719); Quyết định số 749/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Lai Châu về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, UBND huyện Tam Đường đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện.
Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; gặp gỡ trực tiếp các đối tượng đang có ý định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để can thiệp, ngăn chặn đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Tại xã Tả Lèng, giải pháp góp phần giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là tại mỗi bản trong quy ước, hương ước đều đưa nội dung xử phạt khi vi phạm. Bên cạnh đó, cán bộ dân số xã thường xuyên xuống các bản nắm bắt tình hình và tuyên truyền đến người dân các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình.
Em Giàng Thị Sua, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường chia sẻ, năm nay em học lớp 8, nếu là những năm trước kia, ở độ tuổi của em, nhiều bạn đã bỏ học, lấy chồng và có con.
Những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền nên chúng em đã hiểu hơn về tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Em muốn tiếp tục chia sẻ, tuyên truyền những hiểu biết đó cho các bạn để không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trường hợp của em S. và G.T.H. ở Sin Câu, xã Thèn Sin là một ví dụ rất tích cực trong việc kịp thời triển khai các giải ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết của các cấp chính quyền Dù mới quen nhau ngày hôm trước, nhưng ngay ngày hôm sau, S. đã sang tận nhà kéo em H. về làm vợ, trong khi H. mới 13 tuổi.
Sau khi nắm được thông tin, đại diện chính quyền, Công an, Trạm Y tế xã đã kịp thời có mặt khi S. đang trên đường đưa H. về nhà. Sau nhiều thời gian khuyên giải, vận động S. đã hiểu ra hành động trái pháp luật của mình và bỏ ý định tảo hôn.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, thực trạng tảo hôn ở Thèn Sin những năm gần đây đã giảm hơn trước. Theo thống kê năm 2022, xã đã can thiệp ngăn chặn được 4 cặp có ý định tảo hôn và kết quả này từ đầu năm 2023 đến nay là 11 cặp.
Xem xét các cơ sở pháp lý để đưa các vụ án liên quan đến tảo hôn ra xét xử theo pháp luật
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn huyện Tam Đường, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện có 118 cặp kết hôn, trong đó có đến 36 cặp tảo hôn chiếm gần 20%, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu ở các xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Mặc dù số cặp tảo hôn so với cùng kỳ năm 2022 có giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt cũng đã có nhiều trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn không có chiều hướng giảm.
Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn, hằng năm, huyện Tam Đường đã chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình, nhận thức và phong tục của người dân địa phương. Theo Kế hoạch số 217 /KH-UBND ngày 27/2/2023 về thực hiện Tiểu dự án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” trên địa bàn huyện Tam Đường, trong năm 2023, huyện duy trì 5 mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” do UBND huyện thành lập và thành lập Tổ tư vấn, Đội tình nguyện viên tại 5 xã: Tả Lèng, Giang Ma, Nà Tăm, Nùng Nàng, Khun Há. UBND xã thành lập Mô hình mới tại 8 xã, thị trấn: Thị trấn Tam Đường, Bản Bo, Sơn Bình, Bình Lư, Hồ Thầu, Bản Giang, Bản Hon, Thèn Sin.
Đồng thời, huyện tổ chức các hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề tại các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện. Biên soạn và phát hành 10.000 tờ gấp phát cho Nhân dân trong các hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề; 200 panô, áp phích dán tại Nhà văn hóa bản, nơi sinh hoạt của cộng đồng bản, nơi thường xuyên tập trung đông người để tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cùng với chính quyền các xã, Phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Tam Đường đã phối hợp với Trường THPT Bình Lư tổ chức các hội nghị tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho gần 800 học sinh của nhà trường. Tổ tuyên truyền của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện cũng đã tăng cường tuyên truyền pháp luật tới Nhân dân.
Tại các hội nghị tuyên truyền, các thầy cô giáo, các em học sinh, đại biểu đã được thông tin thực trạng tảo hôn trên địa bàn, những hậu quả của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống với những hình ảnh minh họa phong phú, sinh động giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.
Tại hội nghị bàn giải pháp về giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện diễn ra trong tháng 8 vừa qua, nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn tiến tới xóa bỏ tảo hôn trên địa bàn huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn đã đề xuất một số giải pháp thực hiện nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: Đưa các quy định về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào hương ước, quy ước; tổ chức ký cam kết, tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh; đề xuất với công an, tòa án đưa ra xét xử lưu động đối với một số trường hợp để răn đe; tăng cường công tác tuyên truyền trong nhà trường, lồng ghép với các tiết học ngoại khóa; tổ chức các hội thi vẽ, thi viết về tảo hôn cho học sinh trên địa bàn.
Cùng với những giải pháp đa chiều, các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện Tam Đường đang nỗ lực đẩy lùi, xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện; góp phần thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Ông Vũ Xuân Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành huyện, các xã, thị trấn tích cực vào cuộc hơn nữa, tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp vận động, tận dụng người có uy tín, tổ chức phiên tòa giả định liên quan đến tảo hôn, kết hôn trái pháp luật.
"Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và tòa án xem xét hủy kết quả kết hôn trái pháp luật, ngành GD huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên thực hiện các tiết học giáo dục ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi liên quan đến tảo hôn, kết hôn cận huyết; đẩy mạnh thực hiện các mô hình phòng chống tác hại của tảo hôn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét các cơ sở pháp lý để đưa các vụ án liên quan đến tảo hôn ra xét xử theo pháp luật" - ông Vũ Xuân Thịnh cho biết./.