• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tấm lòng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời sự 19/05/2018 13:27

(Tổ Quốc) - Suốt mấy chục năm được mang họ của Bác Hồ, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô  giữa đại ngàn Trường Sơn luôn tự hào và dành tấm lòng biết ơn, kính trọng đối vị Cha già của dân tộc.

Vùng đại ngàn Trường Sơn thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế hiện nay là nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô,.. đang sinh sống. Nếu có dịp đến đây, nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc vì sao các tộc người Vân Kiều, Pa Cô đều mang chung một họ Hồ. Tìm hiểu được biết, đó là cả một câu chuyện lịch sử khắc sâu tình cảm của người dân nơi này đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Lời thề dưới chân núi

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi ngược lên với vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị, tìm đến nơi có đông đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đang sinh sống để tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi này. So với nhiều năm về trước, đời sống của đồng bào nơi đây nay đã có nhiều đổi thay tích cực. Để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ, người dân Vân Kiều, Pa Cô không bao giờ quên ơn của Đảng, của Bác Hồ. Có dịp trò chuyện và được nghe đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây kể về câu chuyện người Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ mới thấy được hết tình cảm sâu đậm mà mọi người dành cho Bác.

Người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Ảnh: Lê Chung

Theo lời kể của nhiều vị cao niên, xưa kia người Vân Kiều, Pa Cô bao đời sống biệt lập nơi rừng hoang với những hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ họ đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống lạc hậu, người Vân Kiều, Pa Cô dần hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt.

Hiểu được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của đồng bào người Vân Kiều, Pa Cô, từ trong những năm tháng kháng chiến Bác Hồ luôn dành cho đồng bào nơi đây sự quan tâm và những tình cảm hết sức đặc biệt. Điển hình như năm 1946, từ chiến khu Việt Bắc, Bác cử cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc mang theo nhiều bức hình của Bác và nhiều áo lụa tặng cho người già trong bản làng. Việc làm này khiến đồng bào Vân Kiều, Pa Cô vô cùng cảm động.

Để tỏ lòng biết ơn, ngày 26/6/1946 các già làng đã tự nguyện tụ họp nhau về dưới chân núi Cooc La Phăng Xông tổ chức lễ ăn thề, cắt máu mình pha vào ché rượu lớn chuyền tay nhau uống và thề với Giàng, với rừng núi rằng: Người Vân Kiều, Pa Cô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc.

Mãi đến tháng 6/1957, hay tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều, Pa Cô ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) cử ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác để xin cho người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ của Bác. Được Bác Hồ đồng ý tặng họ, người Vân Kiều, Pa Cô bất kể vùng miền hết sức vui mừng.

Từ những người đầu tiên tự nguyện mang họ Bác Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Tây Quảng Trị, dần về sau này việc lấy họ Bác làm họ chung đã trở thành ý thức của hai dân tộc. Đến năm 1969 khi Bác mất, họ Hồ đã trở thành họ của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đến tận bây giờ.

Niềm tự hào mang họ Bác Hồ

Hơn 70 năm qua, bằng sự tự hào nhiều thế hệ người dân Vân Kiều, Pa Cô vẫn luôn nhắc nhở với con cháu của mình về nguồn gốc và vinh dự khi được mang họ Hồ của Bác. Được mang họ Bác Hồ, mọi người không ngừng học tập làm theo tấm gương đạo đức của Người để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng yên ấm, quê hương giàu đẹp.

Ông Hồ Văn Hùng nâng niu bức tượng Bác Hồ, tự hào khi được mang họ của Bác. Ảnh: Lê Chung

Đến xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được nghe và kể về ông Hồ Văn Hùng (63 tuổi, người Vân Kiều, Nguyên Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đakrông) một tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, luôn đi đầu trong phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,...

Được biết, gia đình ông Hùng là một trong gia đình người Vân Kiều gương mẫu, có nhiều đóng góp cho xã hội. Cha của ông Hùng là Hồ Hăng - Đại biểu Quốc hội khóa III, cũng là một trong những Đảng viên người dân tộc thiểu số đầu tiên của địa phương. Năm 1947, cùng với Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Thiên, Hồ Cam, Hồ Hương... Ông Hồ Hăng là lớp người Vân Kiều, Pa Cô đầu tiên tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này từng có dịp được gặp Bác Hồ.

Qua lời kể của cha, ông Hùng cho hay hình ảnh Bác Hồ trong ông luôn là vị lãnh đạo hết sức giản dị, gần gũi với nhân dân. Cũng bởi sự chất phác đó mà Bác luôn nhận được sự quý mến của mọi người, là tấm gương để mọi người noi theo. Trải qua ba thế hệ, đến nay cho dù con cái nhiều người đã thành đạt nhưng ông vẫn luôn nhắc nhở về điều này.

Dành nhiều tình cảm sâu đậm với Bác Hồ nên không lạ khi trong căn nhà nhỏ của mình, ông Hùng lưu giữ khá nhiều hiện vật về Người. Đó là những tấm hình, hay bức tượng của Bác được ông sưu tầm về trong những dịp đến làng Sen hay ra thăm Lăng Bác.

Nâng niu bức tượng của Bác trên tay, ông Hùng chia sẻ: “Từng là cán bộ tại địa phương nên tôi có nhiều dịp ra Hà Nội công tác. Lần nào ra đó tôi cũng ghé thăm Lăng Bác. Dù đã được đến đó nhiều lần, nhưng lần nào cảm xúc cũng dâng trào khó tả. Có lẽ ngoài tình cảm dành cho Bác còn là niềm tự hào khi được mang họ Bác Hồ”.

Người con Vân Kiều Hồ Văn Hùng (đứng thứ 3 từ bìa phải sang) trong một lần ghé thăm Lăng Bác. Ảnh: Lê Chung

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, có một kỷ niệm mà mình cũng không bao giờ quên đó là lần đầu tiên được đến thăm Làng Sen quê Bác. Khi đó thông tin còn chưa thuận lợi như bây giờ. Biết bà con ở quê nhiều người không có điều kiện đến đây, phần nữa vì sợ bỏ sót những câu chuyện hay về Bác Hồ mà ông đầu tư hẳn máy ghi âm ghi lại tất cả lời giới thiệu của hướng dẫn viên rồi đưa về quê mở lại cho mọi người trong bản, làng cùng nghe. Thế mới thấy, tình cảm mà đồng bào người Vân Kiều, Pa Cô dành cho Bác lúc nào cũng dạt dào, sâu đậm, thể hiện không chỉ trong lời nói mà còn qua từng hành động.

Hôm nay, trong mỗi câu chuyện, mỗi việc làm của người Vân Kiều, Pa Cô đều nhắc đến Bác Hồ với tấm lòng thành kính. Qua đó cũng cho thấy được tấm lòng sắt son, chung thủy khi luôn hướng về Đảng và Bác Hồ. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là lực lượng quan trọng và không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Lê Chung

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ