(Tổ Quốc) - Trả lời tại cuộc họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, đảm bảo quyền của công dân nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của đất nước.
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi họp báo |
Trước câu hỏi của báo chí về Luật Biểu tình tại cuộc họp báo sáng nay 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, đảm bảo quyền của công dân nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của đất nước. Lợi ích nào cũng phải hài hoà. Đảm bảo quyền biểu tình của nhân dân cũng phải dựa trên sự đảm bảo, kiểm soát của nhà nước.
10h22, kết thúc cuộc họp báo, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ cởi mở hết mức có thể với báo chí, để cùng vì công việc chung.
Cập nhật nội dung trao đổi trực tiếp.
Báo Tuổi trẻ: Nhiều khả năng nợ công vượt giới hạn cho phép, làm sao để giảm bớt nỗi lo nợ công cho người dân?
Hiện nay nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Vay và đầu tư đúng mục đích, đảm bảo kinh tế chịu được, không vỡ nợ, đến hạn có thể trả nợ là an toàn.
Hiện nay nợ công vẫn ở mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ thì vẫn khó khăn, xảy ra việc vay để đáo hạn, vay để trả nợ cũ. QH sẽ thay đổi cơ cấu vay ngắn hạn sang trung và dài hạn để giảm bớt áp lực trả nợ.
Vay nợ để phát triển là cần thiết nhưng quyết tâm không đi theo các vết xe đổ của các nước đi trước, QH sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công và nhất định không để tỷ lệ bội chi tăng lên mà dần dần sẽ kéo xuống.
Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội gặp mặt báo chí sau khi nhậm chức |
Báo Tuổi trẻ: Có nên thành lập uỷ ban lâm thời giám sát về môi trường ở Formosa?
Hiện nay chưa có chủ trương này. Để có kết luận về Formosa, chính phủ đã rất cố gắng, tổ chức gây ra sự cố đã cúi đầu nhận lỗi và cam kết khắc phục, đó là thắng lợi bước đầu của chúng ta.
Dù người dân có thể cảm thấy chậm nhưng thực tế không thể khác, biển mênh mông như vậy, chúng ta bắt buộc phải có cơ sở, chứng cứ thì mới kết luận được… Chúng tôi vẫn đặt vấn đề giám sát, các cơ quan đã vào cuộc và sẽ có báo cáo cụ thể.
Pháp Luật TPHCM: Vừa rồi có thể thấy việc bổ nhiệm nhân sự có rất nhiều vấn đề, QH khóa 14 sẽ giám sát như thế nào về vấn đề này?
Tân chủ tịch QH Nguyễn Thi Kim Ngân: QH sẽ giám sát thực thi công vụ, thực hiện công vụ, đạo đức công vụ, có khi “đúng quy trình” nhưng không “đúng tiêu chuẩn”. Quy trình thì cái nào cũng đúng. Ví dụ như chúng tôi làm luật thì đúng quy trình nhưng thực tế vẫn có những luật không khả thi. Do đó, đúng quy trình chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. QH sẽ giám sát, đánh giá trong công tác cán bộ chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Pháp Luật TPHCM: QH có chương trình giám sát tối cao về vấn đề môi trường cũng như các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (đã từng có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng của nhà nước)?
Đây là các vấn đề mà QH rất quan tâm, đây cũng là trọng tâm chủ đề giám sát của QH khoá 14.
Đất nước chúng ta đang phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Hiến pháp của nước ta nhấn mạnh người dân có quyền sống trong 1 môi trường trong lành. Bất cứ cá nhân tổ chức nào làm cho môi trường sống của dân không trong lành thì phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng nhưng không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá, trong đó có việc phải đánh đổi môi trường. Formosa là một bài học đắt giá, chính phủ sẽ rà soát lại toàn bộ.
* Một câu hỏi thú vị về các bộ áo dài ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội: Với tư cách là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà luôn được trông đợi sẽ xuất hiện với bộ áo dài như thế nào. Bà tự lo trang phục cho mình hay có người tư vấn riêng? Bà dành bao nhiêu thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình?
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: "Thực ra tôi cũng may ở nhiều nơi lắm. Tất nhiên cũng có một số nhà thiết kế tôi thấy đẹp thì có chọn nhưng tôi không mất nhiều thời gian cho việc này. Sáng nay tôi không định mặc áo dài nhưng thấy chị Phóng (Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội - PV) mặc áo dài nên chỉ 5 phút sau tôi cũng có một bộ để mặc. Chị Phóng nhắc tôi là Chủ tịch QH lần đầu tiên gặp gỡ báo chí đầu nhiệm kỳ, cần chỉn chu, chu đáo nên chúng tôi rất trân trọng chọn mặc áo dài".
* Phóng viên truyền hình VTC đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Quốc hội khoá XIV.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.
Người Việt Nam hơn bất cứ đâu đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp “5 nước 6 bên”, phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân.
Việt Nam yêu cầu các nước không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực trên biển.
“Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế khác nhưng vấn đề là những tổ chức đó làm được gì cho đất nước? Chưa làm gì cả. Họ chỉ làm cho kích động, làm đất nước rối ren và Việt Nam không chấp nhận việc đó” – bà Ngân nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam không phải là một bên trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc nhưng có liên quan đến Biển Đông của chúng ta, chúng ta phải theo dõi. Ngay sau vụ kiện, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết cuối cùng của toà. Phán quyết dài tới 500-600 trang nên phải nghiên cứu kỹ xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam thì sẽ phát biểu tiếp.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm: “Việt Nam rất anh hùng khi 85 ngày đêm giàn khoan nước ngoài cắm ở vùng thềm lục địa của chúng ta nhưng với lực lượng ít, tàu nhỏ, chúng ta vẫn luôn lúc nào cũng có mặt, dù có bị vòi rồng phun, bị đâm vỡ, hỏng tàu thì về sửa rồi lại tiếp tục đấu tranh thực địa chứ nhất quyết không buông".
Bà cũng thông tin, để một phút những hình ảnh về công tác đấu tranh đó lên được CNN tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện, bằng mọi phương thức hoà bình, theo luật quy định để bảo vệ chủ quyền.
* Với câu hỏi về việc Chính phủ đề nghị 1 luật sửa nhiều luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây chính là gợi ý của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Chính phủ đối với môi trường đầu tư kinh doanh nên mới yêu cầu Chính phủ rà soát nhanh để sửa đồng loạt các quy định còn vướng mắc.
Dù vậy, đến giờ vẫn chưa có một hồ sơ nào chuẩn bị đầy đủ để trình ra Quốc hội. Khi nào Chính phủ có đầy đủ hồ sơ, sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh.
Hội trường chật kín các phóng viên báo chí tham dự buổi họp báo |
Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi: Tổng Bí thư mong muốn các đại biểu kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác. Cá nhân bà với cương vị Chủ tịch Quốc hội sẽ làm gì để các đại biểu Quốc hội có thể thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh nói trên?
Chủ tịch Quốc hội đáp: “Khi tuyên thệ, tôi không có nói về việc chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực nhưng tôi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc nghĩa là cũng phải chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực.
Muốn làm được thế thì phải xây dựng hệ thống pháp luật tốt để quy định chặt chẽ, để không có kẽ hở cho ai có thể tham nhũng, tiêu cực được nữa.
Còn quan liêu là một biểu hiện trong phạm trù đạo đức công vụ. Vậy thì cần thực hiện giám sát chặt chẽ sau khi ban hành luật để đảm bảo luật được thực hiện đúng, nghiêm minh. Dẫn chứng từ ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, Quốc hội phải tính hết các vấn đề như thu hồi đất, tác động tới đời sống của nhân dân… để chống mọi sự lợi dụng trong quá trình triển khai dự án”.
* Một câu hỏi khác được đặt ra: Ngay đầu nhiệm kỳ khóa này đã phải bác bỏ tư cách đại biểu với 2 người trúng cử. Làm thế nào để không có những đại biểu đến mức phải tước bỏ tư cách đại biểu trong khoá XIV này?
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là điều đáng tiếc nhưng may mắn là những sai phạm của 2 trường hợp này được phát hiện sớm, kịp thời, nếu không để những người này thực sự tham gia Quốc hội rồi mới xem xét quy trình bãi nhiệm thì còn đáng tiếc hơn.
Mỗi đại biểu phải tự rèn luyện tư cách, không có đạo đức thì không thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ giám sát hoạt động của các đại biểu chặt chẽ, thậm chí có đong đếm cụ thể mỗi đại biểu có bao nhiêu lần phát biểu, tham gia ý kiến ở tổ thảo luận, ở hội trường, đại biểu nào chưa từng lên tiếng.
“Có không ít trường hợp đại biểu được cất nhắc lên vị trí cao hơn khi thể hiện được mình ở Quốc hội, trong chỉ nửa nhiệm kỳ” – bà Ngân thông tin.
* Phóng viên Vietnamnet đặt câu hỏi: Chủ tịch Quốc hội sẽ thay đổi cách điều hành thế nào để thực sự là các đại biểu sẽ tham gia thảo luận, tranh luận chứ không chỉ là đọc văn bản?
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, có hạn chế trong việc phát biểu là vì đại biểu nói ý trùng nhau nhưng sau đó đã khắc phục bằng cách yêu cầu chỉ nói quan điểm đồng ý hay không đồng ý với vấn đề đó. Còn quy định mỗi đại biểu chỉ được nói trong 5-7 phút là để đảm bảo việc tranh luận trực tiếp, không đọc văn bản. Nhiều bạn bè ở các nghị viện trên thế giới đã rất thích thú với kinh nghiệm tổ chức này.
Phóng viên Vnexpress đề nghị Chủ tịch Quốc hội nói về việc phóng viên báo chí ngay tại kỳ họp này rất khó tiếp cận đại biểu Võ Kim Cự để hỏi về các vấn đề liên quan đến dự án Formosa thời ông Cự làm Chủ tịch, Bí thư Hà Tĩnh.
Phóng viên Người lao động băn khoăn: Kỳ họp này Quốc hội có xem xét lại vấn đề cấp phép đầu tư tới 70 năm cho Formosa, sai quy định?
Chủ tịch Quốc hội nói: Ai đó ngăn cản việc báo chí tiếp cận đại biểu thì đó là có lỗi. Dân chủ trong mối quan hệ giữa con người với con người là rất quan trọng, như trong gia đình, nếu cha mẹ không tôn trọng ý kiến của con trẻ thì trẻ cũng sẽ thiếu tôn trọng cha mẹ. Vậy nên trẻ em cũng cần có diễn đàn, có tiếng nói của mình. Trong một cơ quan mà thiếu dân chủ thì sẽ có vấn đề, mất đoàn kết, một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên.
Còn việc khó tiếp xúc với đại biểu Quốc hội trong vụ Formosa, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều đại biểu địa phương có khi không biết chi ly sự việc.
“Việc ông Võ Kim Cự tránh là quyền của ông, nhưng tôi sẽ gặp ông Cự để nhắc là đại biểu Quốc hội phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi giai đoạn đó mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà. Để báo chí đưa thông tin kịp thời tốt hơn nhiều so với việc tránh né. Đại biểu Quốc hội mà khoát tay, từ chối báo chí mà có ảnh chụp đưa lên thì rất phản cảm, ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội” – bà Ngân trao đổi.
Nói về việc Formosa được cấp phép đầu tư 70 năm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội vẫn đang giám sát, không chỉ với doanh nghiệp này mà giám sát hẳn việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Trong giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm - đó là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm.
Giám sát tối cao về môi trường và hoạt động của các doanh nghiệp là một chủ đề mà khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng phải thường xuyên trả lời. Phát triển kinh tế nhưng phải bền vững, đảm bảo môi trường sống. Hiến pháp đã nêu rõ, công dân được quyền sống trong một môi trường trong lành, ai làm ảnh hưởng đến môi trường trong lành cần thiết đó thì phải chịu trách nhiệm.
Formosa là một bài học đắt giá để chúng ta phải xem xét lại các dự án kinh tế, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai.
Phóng viên Tuổi trẻ đặt câu hỏi về vấn đề nợ công với lo lắng Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công?
Trả lời: Đây cũng là việc Quốc hội có trách nhiệm vì đã quyết định mức nợ công bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu. Nhưng thực tế việc này phát sinh trong hoạt động điều hành. Nợ công hiện vẫn dưới 65% GDP nhưng nợ Chính phủ đã vượt 0,3% so với chỉ tiêu. Khoá này, Quốc hội sẽ tính toán lại nợ công cho đúng, xem mức 65% ở Việt Nam có an toàn hay không.
Báo cáo của Chính phủ cũng luôn được yêu cầu gắn với nợ công. Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên có an toàn hay không không hẳn phụ thuộc vào con số % mà là vay rồi đến nợ có trả được không, vay xong đầu tư cho phát triển có hiệu quả không? Không để quá mức chịu đựng của ngân sách dẫn đến vỡ nợ.
Chúng ta hiện nay vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nhưng đến lúc trả nợ thì có khó khăn, có hiện tượng phải vay để đảo nợ, vay để trả nợ cũ. Để đảm bảo áp lực trả nợ, không thay đổi cơ cấu nợ, không đổi vay ngắn hạn sang trung hạn và dài hạn. Xu hướng này đang diễn ra tốt để đảm bảo Việt Nam không dẫm theo vết xe đổ của những quốc gia đi trước ở châu Âu, ở Trung Phi.
Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công. Trong thẩm tra các báo cáo tài chính, các cơ quan của Quốc hội nhất định kiểm tra chặt chẽ, không để bội chi tăng lên. Khoá trước chưa làm được nhưng khoá này chắc chắn phải làm, để đảm bảo nợ thực sự an toàn chứ không chỉ là dưới 65%.
Phóng viên Vneconomy đặt câu hỏi: Tân Chủ tịch Quốc hội tâm đắc gì nhất với kinh nghiệm để lại của người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng để phát huy trong khoá này? Chủ tịch Quốc hội có quyết tâm trả “món nợ” Luật Biểu tình với người dân?
Phóng viên Truyền hình nhân dân muốn Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về chương trình hành động khóa này?
Kinh nghiệm bà Ngân muốn chia sẻ là kinh nghiệm chính trị và bản lĩnh, bà đã rút ra từ thời còn làm bên Chính phủ, Bộ Tài chính. Bản lĩnh thể hiện ở sự quyết đoán với những gì mình đã cho là đúng, còn nếu quyết đoán đó là sai, phải luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Với Luật Biểu tình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc lùi lại là cũng để nghiên cứu một cách thấu đáo. Nhiều nơi, tình hình thực tiễn diễn ra khiến nhà nước rất lo lắng. Đảm bảo quyền của công dân nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của đất nước. Lợi ích nào, theo bà Ngân, cũng phải hài hoà. Vậy nên đảm bảo quyền biểu tình của nhân dân cũng phải dựa trên sự đảm bảo, kiểm soát của nhà nước chứ không ai muốn người dân thực hiện quyền biểu tình mà lại làm náo loạn đất nước.
Về tinh thần dân chủ, bà khẳng định việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân phải trở thành diễn đàn để phù hợp với nguyện vọng, lợi ích, tâm tư tình cảm của người dân. Làm được điều đó chính là phát huy dân chủ.
Nghi lễ tuyên thệ đã được chỉnh sửa so với trước đây. Đoàn Chủ tịch không ngồi trên ghế mà cùng xuống đứng chứng kiến
|
|
9h, Tổng Thư ký Quốc hội mời Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch lên vị trí điều hành. 3 Phó Chủ tịch Quốc hội là bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Uông Chu Lưu cùng chủ trì cuộc họp báo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo Quốc hội khoá XIV gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí đã quan tâm, theo dõi, đưa tin về hoạt động của Quốc hội suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đồng hành với Quốc hội khoá XIV. Chủ tịch Quốc hội đề nghị được phát biểu một số vấn đề trong khoảng 10 phút.
Được sự tín nhiệm của Quốc hội khoá XIV, bà Ngân chia sẻ cảm nhận rõ trách nhiệm nặng nề khi được bầu vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội để thực hiện những nhiệm vụ cử tri, nhân dân cả nước giao phó. Bà Ngân khẳng định sẽ phát huy kết quả của những vị lãnh đạo Quốc hội tiền nhiệm để làm tốt nhiệm vụ.
Quốc hội XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, có thuận lợi và cũng có cả khó khăn, đất nước đang trong đà hội nhập rộng mở. Các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, như thông điệp bà đã đưa ra khi phát biểu nhậm chức, sẽ kế thừa truyền thống vẻ vang của Quốc hội 70 năm qua.
Bà nhắc lại lời cam kết về việc sẽ hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc.
Nói về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội trình bày, Quốc hội khóa XIV sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế Nghị quyết Đảng vào hệ thống pháp luật.
Quốc hội cũng tập trung hoàn thiện các luật về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các hiệp ước Quốc tế, các cam kết với Liên Hợp Quốc khi Việt Nam tham gia tổ chức này.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ chọn những vấn đề đang bức xúc trong cuộc sống để trình Quốc hội chấp nhận giám sát một vài chuyên đề, một số khác sẽ giao UB Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát, sau nữa tới các UB của Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động điều trần cụ thể với những vấn đề phát sinh.
Quốc hội sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, giám sát những vấn đề chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm này, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động.
Trước hết là nghiên cứu đổi mới quy trình lập pháp theo hướng chú trọng đến chất lượng và tính khả thi của các dự án luật, từ khâu xây dựng đề cương của các đạo luật, lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu, để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, thiếu tính khả thi.
Thực tế, bà Ngân xác nhận, có những đạo luật ban hành chưa phù hợp và theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Tính khả thi, theo đó, là yêu cầu rất quan trọng với hoạt động lập pháp.
Nói thêm về hoạt động giám sát, theo bà Ngân, trong khoá XIII, Quốc hội đều ra Nghị quyết sau mỗi cuộc giám sát, ví như cuộc giám sát về chính sách đầu tư các công trình thuỷ điện. Theo đó, Quốc hội đã dứt khoát yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án, công trình. Nghị quyết giám sát này sẽ được theo dõi đến cùng trong khoá XIV này, chứ nhất quyết không để tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Quốc hội sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Nhấn mạnh hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội xác định sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân đặt ra với những người đứng đầu các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, chuyển dần từ một Quốc hội tham luận (chuẩn bị trước) sang một Quốc hội thảo luận và tranh luận. Khuyến khích tinh thần tranh luận, thảo luận tại hội trường là một mục tiêu Chủ tịch Quốc hội đề ra.
Về vấn đề tăng cường mối quan hệ với cử tri, Chủ tịch Quốc hội nói, mỗi đại biểu nên dành nhiều thời gian đi cơ sở, trước hết là nơi cử tri đã bầu ra mình. Không chỉ là hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu luôn phải có ý thức, coi việc này là một trọng tâm công tác.
Nhìn lại quá trình hoạt động 70 năm qua của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát, báo chí đã luôn đồng hành cùng Quốc hội. Mỗi đại biểu Quốc hội cũng được khuyến khích chủ động tiếp cận báo chí, cởi mở trong hoạt động trả lời phỏng vấn.
“Chúng tôi muốn nói một lời cảm ơn sâu sắc, chân thành với các phóng viên báo chí đã tác nghiệp bên trong, bên ngoài hành lang Quốc hội để đưa kịp thời thông tin hoạt động của Quốc hội đến cử tri cả nước. Nếu báo chí phản ánh khách quan sự việc thì mang ý nghĩa định hướng dư luận rất tốt đối với những quyết sách Quốc hội đang thay mặt nhân dân bàn bạc, quyết định.
Chúng tôi trân trọng với sự đóng góp vừa qua và mong khoá XIV này, báo chí tiếp tục đồng hành với Quốc hội suốt nhiệm kỳ này và chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động” – Chủ tịch Quốc hội một lần nữa chia sẻ.
Trên tinh thần hợp tác vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, nhân dịp đầu khoá này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn trao đổi chân tình với báo giới.
8h56, Chủ tịch Quốc hội bước vào phòng họp báo, bắt tay thân mật các phóng viên báo chí.
Chủ tịch Quốc hội có bài phát biểu ngắn và dự kiến dành 30 phút trao đổi, trả lời các câu hỏi của phóng viên…
Họp báo sau nhậm chức là hoạt động theo thông lệ của các lãnh đạo khi bắt đầu đảm nhiệm cương vị lãnh đạo một nhiệm kỳ mới. Với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù đây là lần thứ 2 tuyên thệ nhậm chức trong vòng 4 tháng qua nhưng lần trước vẫn là trong nhiệm kỳ khoá XIII, bà không thực hiện hoạt động này.
Các cuộc họp báo, gặp mặt báo chí đầu tiên sau khi nhậm chức luôn rất được quan tâm, chờ đợi. Nhất là sau lời tuyên thệ, cam kết ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội hôm qua: "sẽ xây dựng một Quốc hội đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc".
Cập nhật từ Dân trí, Pháp luật TPHCM