(Tổ Quốc) - Ngày 16/12, tại Tỉnh Quảng Bình đã diễn ra hội thảo khoa học - thực tiễn "Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới". Hội thảo này đánh giá thực trạng và những giải pháp nhằm tận dụng, khai thác, phát huy được những tiềm năng, lợi thế về biển, đưa các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển năng động, nhanh, mạnh, bền vững, trở thành các địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển…
Có thể khẳng định rằng, các tỉnh miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Vùng có 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước.
"Phát triển kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260km). Do vậy, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung có thể nói là giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng"...
Những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển. Thực tiễn cho thấy ngành kinh tế này ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Diện mạo của vùng miền Trung đã có nhiều thay đổi tích cực và vùng đang trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Một số địa phương trong vùng đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảnh cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao.
Theo đánh giá chung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển.
Một số tỉnh có quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp, tăng trưởng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng…
Tại hội thảo này, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Quảng Bình là địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức bởi vì chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển có mặt còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm tại vùng biển và ven biển còn thiếu; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm còn thấp so với tiềm năng.
Việc thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản và người nuôi thủy sản còn ít; cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân...
Đặc biệt, những thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về cạnh tranh, môi trường, các bất ổn do chính trị, dịch bệnh... đã và đang tạo ra áp lực lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các địa phương.
Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ven biển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh ven biển miền Trung nói chung rất mong muốn được lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học để tìm ra giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới… ông Vũ Đại Thắng mong muốn.
Có thể khẳng định rằng, việc hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…