• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng giá điện: “Doanh nghiệp khi không đi được nữa thì phải bò”

Kinh tế 04/12/2017 14:31

(Tổ Quốc) - Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong việc tăng giá điện là các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thép, kim khí, dệt may…

Việc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay khiến người dân, doanh nghiệp không khỏi lo lắng chi phí sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo.

Chi phí tiền điện trong ngành dệt may khá lớn (Nguồn: Internet)

So với mức tăng 7,5% của đợt điều chỉnh lần trước (tháng 3/2015), lần này, mức tăng thấp hơn. Tuy nhiên, với mức tăng 6,08%, giá bán lẻ điện bình quân- tăng lên mức hơn 1.720 đồng một kWh- cùng với việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt với 6 bậc có mức giá tăng dần, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.

Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tăng giá điện là các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thép, kim khí…

Ông Lê Mạc Linh, Giám đốc chi nhánh Pepsico Miền Bắc cho biết, giá điện tăng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Pepsico.

“Giá điện tăng tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiền điện mà doanh nghiệp phải đóng. Nhưng với chúng tôi thì mức ảnh hưởng cũng không quá lớn”, ông Linh cho hay.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, kim khí thì việc tăng giá điện ảnh hưởng nhiều hơn. Ông Nguyễn Doanh Thu, Giám đốc Công ty Kim khí Hoàng Phong cho biết, giá điện tăng nghĩa là tăng chi phí đầu vào, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực luyện kim thì mức độ ảnh hưởng càng lớn.

“Dù vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải tìm cách xoay sở chứ không phải cứ tăng chi phí đầu vào là phải tăng giá thành sản phẩm. Nếu tăng giá thành sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường, trong bối cảnh cung đang lớn hơn cầu như hiện nay”, ông Thu cho hay.

Với doanh nghiệp dệt may cũng vậy,  ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên  cho hay, trong ngành dệt may có 2 mảng chịu ảnh hưởng lớn của điện, gồm mảng dệt sợi và may. Trong đó, tiền điện trong mảng dệt sợi chiếm khoảng hơn 10% giá thành và trong ngành may, tiền điện chiếm 2% giá thành… Ngoài ra, tiền điện còn nằm trong chi phí của một số các khâu gián tiếp khác phục vụ cho ngành dệt may.

“Doanh nghiệp của chúng tôi có 2.000 lao động, mỗi tháng hết khoảng 400 triệu tiền điện.  Từ 1/12 tăng giá điện thì chi phí tiền điện của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên vài chục triệu nữa.  Cùng thời điểm  mọi thứ như:  lương, bảo hiểm, giá xăng… đều tăng, cùng với giá điện tăng nữa thì doanh nghiệp sản xuất chúng tôi phải chịu thôi. Đã làm doanh nghiệp khi không đi được nữa thì đành phải bò”, ông Dương bày tỏ.

Ông Dương cũng chia sẻ thêm, doanh nghiệp của ông chuyên xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, châu Âu (EU)… Việc tăng giá điện theo thị trường là phù hợp nhưng cần có lộ trình để các doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị cho các hợp đồng xuất khẩu.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đánh giá,  giá điện tăng hơn 6% trong thời điểm hiện nay là cao. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát và đời sống người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ