(Tổ Quốc) - Trước thực tế mức chi tiêu hàng tháng của sinh viên hiện nay khoảng 4 triệu mỗi tháng, trong khi đó sinh viên chỉ được vay mức tối đa là 1,5 triệu đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu và đề xuất Chính phủ nâng mức cho vay lên 2,5 triệu đồng/tháng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu (bên phải ảnh) trao đổi cùng sinh viên (ảnh: Doanthanhnien)
Trong phiên gặp gỡ, đối thoại với đại biểu sinh viên về cơ chế, chính sách và các vấn đề liên quan đến sinh viên… trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, khi được hỏi về mức cho vay hiện nay đối với sinh viên được vay mức vay tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên với lãi suất 0,55 %/tháng. Tuy nhiên, về mức học phí, các trường đại học công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ có mức học phí rất cao so với mức học phí tại các trường đào tạo cùng chuyên ngành, bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ chưa tự chủ tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí hàng năm theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với mức tăng hàng năm vào khoảng 10%. Bên cạnh đó là chi phí sinh hoạt tăng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm tăng trong khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước, đã tạo ra những áp lực về chi tiêu của sinh viên, trung bình mỗi tháng, sinh viên phải chi tiêu khoảng 4 triệu đồng (Đại biểu Đỗ Hữu Huân - Chủ tịch Hội Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, từ năm 2007, Chính phủ có chủ trương dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất và cấp nguồn để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để tham gia học tập. Mức cho vay từ đó đến nay liên tục được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu học tập, từ năm đầu 800.000 đồng/tháng đến nay đã lên tới 1,5 triệu đồng/tháng. Đến nay đã có khoảng 3,5 triệu lượt sinh viên được vay với tổng doanh số vay hơn 61 nghìn tỷ đồng và khả năng trả nợ tốt.
Tuy nhiên, chúng ta cần có 4 quan điểm như thế này: trước hết, chính sách xã hội hoá, có sự tham mưu hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia chủ động của gia đình và các bạn sinh viên; thứ hai, căn cứ vào mặt bằng chung của sinh viên, mức sống tối thiểu; thứ ba là khả năng ngân sách; thứ tư là chính các bạn nêu cao tinh thần tiết kiệm, vì chính mình và gia đình. Từ quan điểm như vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và chính thức lấy ý kiến các ngành để đề xuất với Chính phủ nâng mức cho vay lên, dự kiến 2,5 triệu/tháng.
Cũng trong phạm vi trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý cho biết thêm, qua hơn 12 năm thực hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay hơn 62 nghìn tỷ, thu lại 50 nghìn tỷ, dư nợ 12 nghìn tỷ. Tuy nhiên, thực tế sinh viên phản ánh rất đúng vì yêu cầu cho giai đoạn mới khác, thời 4.0, chi phí học tập tăng, giá cả tăng và trường đào tạo tốt, học sinh học tốt đáp ứng nhân lực cho xã hội. Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng, đã đến lúc đánh giá lại chương trình này để cơ cấu lại mức vay phù hợp hơn, đối tượng cho vay, thời hạn vay cũng xem xét lại. Ngân hàng sẽ lắng nghe nhiều kênh để tham mưu với Chính phủ trong thời gian tới.