(Tổ Quốc) - Ngày 27/9, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức tọa đàm Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố.
- 15.09.2023 Nghệ nhân ưu tú hơn 50 năm gìn giữ và trao truyền nghệ thuật trình diễn múa Trống Đu của dân tộc Mường
- 10.09.2023 Trung thu "về làng" làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ truyền thống, do đích thân các nghệ nhân chỉ dạy
- 29.08.2023 Hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên sẽ tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV
115/131 nghệ nhân dân gian đã được hỗ trợ
Tọa đàm được tổ chức nhằm tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch của Trung ương và thành phố trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, hướng đến xác định hệ giá trị văn hóa Thủ đô.
Qua đó, đẩy mạnh vai trò tích cực của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể các loại, Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất của cả nước, bao gồm nhiều loại hình khác nhau, từ tri thức dân gian, tập quán xã hội cho đến các loại hình diễn xướng dân gian… Hiện nay, thành phố có 131 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.
Phát biểu tại tòa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cho biết: Thành phố đã chi đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Đến nay, 14/18 Nghệ nhân Nhân dân và 101/113 Nghệ nhân Ưu tú đã nhận được kinh phí đãi ngộ theo nghị quyết của HĐND thành phố với tổng kinh phí 3,59 tỷ đồng. Hoạt động này có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ.
"Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ kiện toàn, thành lập các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; từ đó có thể được hưởng chế độ hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/câu lạc bộ lần đầu thành lập và 20 triệu đồng hàng năm để hoạt động. Đến nay, đã có 2 câu lạc bộ được thành lập là: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ Ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Ngoài ra có 10 câu lạc bộ đã thành lập Ban vận động và đang hoàn thiện thủ tục thành lập câu lạc bộ theo quy định như: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, Chanh Thôn, Múa bồng Triều Khúc, Tuồng Xuân Nộn… Đồng thời, thành phố còn bố trí kinh phí cho các nghệ nhân thực hiện truyền dạy cho thế hệ trẻ" - Bà Trần Thị Vân Anh cho biết thêm.
Khẳng định nghệ nhân có vai trò quan trọng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam TS. Lê Thị Minh Lý chia sẻ: "Di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với con người, thể hiện qua sự biểu đạt của con người. Nghệ nhân là chủ thể của di sản, và nghệ nhân cũng phải gắn với một cộng đồng nhất định để cùng nhau bảo vệ di sản. Ngoài ra những người không thuộc cộng đồng thực hành di sản, như các nhà nghiên cứu hay nhà quản lý cũng đóng vai trò quan trọng. Đó là trách nhiệm với tổ tiên, cha ông và các thế hệ đi trước đã bảo vệ di sản cho đến ngày nay".
Cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nghệ nhân bảo vệ di sản
Với sự phát triển của xã hội, hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống đều đang đứng trước thực trạng bị già hoá, đội ngũ kế cận không nhiều, dẫn tới nguy cơ bị mai một, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: Trong những năm qua, huyện Đông Anh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó các nghệ nhân đã có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn như: Tuyên truyền giáo dục; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy; sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm, hiện vật, các tài liệu liên quan tới các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể bởi nhiều câu lạc bộ được khôi phục hoặc thành lập mới nhưng hiệu quả chưa cao, hoạt động cầm chừng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống không phát huy được thế mạnh, không tạo ra được nguồn thu từ chính nghề truyền thống do thiếu đất diễn, thiếu khán giả, kén khán giả, thiếu nguồn kinh phí. Các vở diễn cổ thiếu kinh phí để phục dựng, kịch bản mới để thu hút người xem…
"Chính vì thế, cần có chính sách đầu tư kinh phí cho các môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống phục dựng lại những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, từ đó góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn ở địa phương" - bà Nguyễn Mỹ Linh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Man Khánh Quỳnh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, hiện nay, số lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng ít dần đi do tuổi cao, sức yếu, mà thế hệ trẻ lại không "mặn mà" với điều đó nên các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống có nguy cơ cao bị mai một.
Để nâng cao vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thạc sĩ Man Khánh Quỳnh cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua, Khen thưởng, các luật liên quan và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân dân gian có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ; tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa; vinh danh nghệ nhân vào những dịp lễ hội của làng, những sự kiện văn hóa của địa phương...
Bên cạnh đó, theo TS. Lê Thị Minh Lý, để bảo vệ, giữ gin giá trị di sản văn hóa, các nghệ nhân cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình thông qua các hoạt động: Thực hành và truyền dạy; Tư liệu hóa, truyền thông và tham gia giáo dục di sản; Chia sẻ, học hỏi và sáng tạo ra sản phẩm mới; Bảo vệ sự đa dạng văn hóa của Thủ đô, quốc gia và nhân loại; Tham gia các hoạt động xã hội của thành phố với vị thế và trách nhiệm của nghệ nhân....
Trong khuôn khổ tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao cũng thông tin về "Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách Hát nói trong Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023"./.