Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo
(Tổ Quốc) - Nhằm phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, sáng 10/10, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo trên địa bàn.
Hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập
Theo đại diện UBND TP.HCM Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn hoạt động kinh doanh.
Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố cũng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật, chủ trương và thường xuyên tham gia, phối hợp trong công tác xã hội hóa cổ động tuyên truyền, đầu tư cải tạo hiện đại hóa các hình thức tuyên truyền, quảng cáo.
Tuy nhiên, dù đã có những quy định pháp luật cụ thể và sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc lập lại trật tự ở lĩnh vực quảng cáo; song do đặc thù địa bàn rộng lớn, nhu cầu quảng cáo nhiều, số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo tăng hàng năm nên không thể bảo đảm thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời. Do đó, hoạt động quảng cáo ngoài trời vẫn còn có những tồn tại, sai phạm.
"Cụ thể, công tác cưỡng chế, tháo gỡ đối với các bảng quảng cáo có kích thước lớn không đúng quy định gặp khó khăn do các bước quy trình nhiêu khê, lực lượng cưỡng chế phải bảo đảm chuyên môn theo quy định và kinh phí thuê lực lượng và trang thiết bị chuyên nghiệp dùng để tháo gỡ là tương đối lớn, trong khi ngân sách Nhà nước chưa có quy định về việc chi trả cho những hoạt động này. Cùng với đó, tình trạng dán tờ rơi, tờ gấp quảng cáo rao vặt sai quy định tại các trụ điện, trụ đèn, tường rào vẫn còn xảy ra, nhất là vào các dịp lễ tết." - đại diện TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, do bị tác động bởi kinh tế khó khăn, tình trạng bảng quảng cáo không có nội dung quảng cáo, không được bảo trì bởi đơn vị sở hữu nên các bảng quảng cáo chỉ còn khung bảng và bị xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và độ an toàn của bảng. Dù các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Đại diện TP.HCM cũng nhấn mạnh một thực trạng khác đó là hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập. Nhưng hiện việc quản lý chỉ đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.
Có nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý và xử phạt vi phạm trong công tác quản lý như: việc xác định chủ thể quảng cáo, địa điểm thực hiện hành vi để làm việc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền do người thực hiện quảng cáo trên không gian mạng thường là cá nhân, không có tên thật, địa chỉ không rõ ràng hoặc không có trụ sở trên địa bàn; không có cơ sở dữ liệu về việc cấp phép quảng cáo hoặc nội dung cho phép quảng cáo để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm…
Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo
Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn khảo sát đề nghị UBND TP.HCM làm rõ hơn về tình hình thực hiện quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn; công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo qua thiết bị viễn thông; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo và những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm; quy trình, cơ chế, phát hiện, tiếp nhận thông tin và xác định chủ thể vi phạm về hoạt động quảng cáo trên địa bàn.
Đồng thời, làm rõ hơn về những đề xuất như việc loại bỏ quy định cụ thể địa điểm, vị trí quảng cáo, các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật đối với việc xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo; việc thu phí trên diện tích bảng quảng cáo; việc cho phép tập trung quảng cáo tại các khu vực sân bay, bến xe, nhà ga, nhà chờ, trạm dừng xe bus…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo là hoàn toàn hợp lý, vừa sát với tình hình thực tế, vừa đáp ứng nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, nhất là trong sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.
Ông Triệu Thế Hùng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám. Do đó, những thông tin về thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo trên địa bàn TP.HCM - địa phương phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội năng động bậc nhất cả nước sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình thẩm tra và góp ý dự án Luật.
Ghi nhận và đánh giá cao một số kiến nghị, đề xuất của địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ; từ đó góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.