• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ

Văn hoá 25/11/2022 08:05

(Tổ Quốc) - Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu dân là trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Cùng với những lợi ích thiết thực, môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó nhận biết cho trẻ. Việc hoàn thiện các chính sách, các giải pháp, các phần mềm quản lý là cần thiết nhằm tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.

2/3 trẻ em Việt Nam tiếp cận internet

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ trước những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu - độc lan truyền trên mạng; các bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Do đó, việc tạo ra mỗi trường mạng lành mạnh; trang bị kỹ năng số để trẻ em nhận biết và sử dụng Internet an toàn là vô cùng cần thiết.

Tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ - Ảnh 1.

Các Bộ, ngành, các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng bàn cách đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng

Không gian mạng, Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em, đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hàng ngày.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân- Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ TT&TT), Việt Nam là đất nước có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 thế giới, chiếm khoảng 73,2% dân số. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu dân là trẻ em (chiếm gần 25% dân số), trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Tuân chỉ ra những nguy cơ trẻ em phải đối mặt trên môi trường mạng như: (1) Tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạch suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; (2) Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; (3) Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; (4) Sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; (5) Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục…

Báo cáo của tổ chức quốc tế (NCMEC) năm 2021 cho thấy Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Theo tổ chức Internet Watch Foundation, năm 2021 có thể nói là năm ghi nhận nhiều sự cố xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhất với khoảng 252.000 URL/hình ảnh chứa thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng (so với 153.000 năm trước đó). Các hình ảnh xâm hại về trẻ em độ tuổi từ 7-10 được báo cáo về cũng tăng gấp 3 lần. Kết quả khảo sát của Unicef cũng cho thấy 1/3 trẻ em tham gia không gian mạng đã là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Trẻ em có nguy cơ trở thành mục tiêu săn tìm của những kẻ tội phạm trên không gian mạng.

Tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ - Ảnh 2.

2/3 trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet

Chính sách hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên internet

Trước thực tiễn đặt ra, ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/TTg-CP về Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo đảng và nhà nước trong công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Chương trình có "mục tiêu kép" là: (1) Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; (2) Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Quyết định 830/QĐ-TTg không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ, để giúp để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, hiệu quả và an toàn. Hiện nay, các sản phẩm, ứng dụng để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em Việt Nam tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo vẫn còn chưa phổ biến, thiếu những sản phẩm dễ sử dụng, phù hợp với đặc thù người Việt Nam, trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm này là phổ biến, hiện hữu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) Vũ Quốc Khánh, Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sớm tham gia xây dựng chính sách, đề xuất nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Một trong số đó là cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin năm 2022" đã thu hút gần 2023" đang được Hiệp hội khẩn trương chuẩn bị với sự ủng hộ, chung tay của các 700.000 học sinh THCS tham gia. Cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin năm cơ quan quản lý, tổ chức và doanh nghiệp.

Hàng loạt giải pháp nhằm thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được Bộ TT&TT ban hành.

Tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Tuân- Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ TT&TT

Bộ TT&TT đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để phù hợp với thực tiễn phát triển cũng như đảm bảo tính đồng bộ với các quy định pháp luật mới ban hành.

Đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Hồ sơ lập đề nghị đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, theo đó các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung có nội dung nhằm “ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của internet và các nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng”.

Để cụ thể hóa các hoạt động bảo vệ trẻ em, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BTTTT ngày 22/12/2020 về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021. Trong đó, xác định hoạt động truyền thông và việc truyền tải các kỹ năng số cơ bản tới các bạn trẻ sẽ là điều cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đồng thời, Bộ đã ban hành Quyết định số 716/QĐ-BTTTT ngày 26/5/2021 Thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị gồm có đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chuyên về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ./.

Hà An



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện


NỔI BẬT TRANG CHỦ