• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tạo "sức đề kháng" với thông tin xấu, độc hại

Văn hoá 17/06/2021 15:20

(Tổ Quốc) - Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa đã đồng tình với việc quản lý và xử phạt những người sử dụng mạng xã hội để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

Tạo "sức đề kháng" với với thông tin xấu, độc hại - Ảnh 1.

Cần tạo sức đề kháng đối với thông tin xấu, độc hại (ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ TT&TT có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn…

Động thái này nhận được sự đồng tình của nhiều tầng lớp xã hội. Chúng tôi đã ghi lại những ý kiến của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này.

TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương: Nỗi lo nhiễu loạn, lệch chuẩn văn hóa

Một bộ phận người dân tin vào tin xấu, tin giả có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là có một bộ phận người dân còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tri thức và bản lĩnh trong xử lý và cập nhật thông tin, phân biệt tin tốt - xấu không rõ ràng nên dễ bị lợi dụng. Ngoài ra, việc vào cuộc của các cơ quan quản lý chức năng còn chậm, có lúc còn lúng túng trong xử lý nên đã để thời gian cho các tin xấu - giả có cơ hội phát tán.

Việc vàng thau lẫn lộn trong văn hóa, dễ dãi trong tiếp nhận sản phẩm cẩu thả, thậm chí sai lệch về thẩm mỹ, nghệ thuật ngày càng rõ rệt, theo tôi không phải do sự cởi mở hơn trong quản lý, chưa mạnh về hậu kiểm, mà do việc vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm, có lúc còn lúng túng (có nơi còn dễ dãi, dung túng) trong xử lý, làm đạo đức và văn hóa ngày càng bị nhiễu loạn, lệch chuẩn.

Để tạo "lá chắn" cho người dân, đặc biệt là trẻ em và các bạn trẻ, việc vào cuộc của các cơ quan chức năng phải kịp thời. Bên cạnh đó, cần có dự báo và lường trước các tình huống để cảnh báo xã hội. Hơn ai hết, những người lãnh đạo cơ quan, công sở, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn, cần phát huy vai trò của gia đình và xã hội, trong đó trường học cần tăng cường giáo dục những kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức…

NSƯT Xuân Bắc: Nhân điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu

Tạo "sức đề kháng" với với thông tin xấu, độc hại - Ảnh 2.

NSƯT Xuân Bắc livestream bán vải hỗ trợ người dân Bắc Giang

Trong một chương trình hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng dịch bệnh tiêu thụ sản phẩm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ NN&PTNT và một số đơn vị tổ chức hồi đầu tháng 6, NSƯT Xuân Bắc đã livestream bán được 100 tấn vải, 12 tấn mận, 800 - 900 trái bí đao cho nông dân chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

NSƯT Xuân Bắc cho biết anh đang kêu gọi thêm nhiều nghệ sĩ cùng tham gia các livestream bán nông sản cho nông dân hiện đang rất khó khăn vì đại dịch.

Đó là mồ hôi công sức của cha mẹ, ông bà mình chứ ai. Chúng ta ai chả sinh ra từ làng" - Xuân Bắc chia sẻ giản dị và xúc động về những nỗ lực tôn vinh nông sản cho nông dân của mình, anh muốn tôn vinh chứ không phải "giải cứu" nông sản.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng với ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ nên sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Và để làm được điều này, nghệ sĩ phải tu dưỡng hằng ngày. Anh cũng kêu gọi khán giả hãy là những người sử dụng mạng xã hội một cách văn minh. Nên dành sự quan tâm đến những điều tốt đẹp để nhân lên điều tốt, đẩy lùi cái xấu.

Là đại sứ thiện chí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc cho biết anh đang tiếp tục sử dụng mạng xã hội và sự ảnh hưởng của mình để kêu gọi xã hội chung tay chăm sóc cho 5.000 trẻ em đang phải cách ly và sắp tới sẽ là khoảng 42.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School: Tạo sức đề kháng với thông tin độc hại

Thời đại số đã trao cho mỗi người tham gia mạng xã hội quyền được phát thông tin bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Các thông tin này đến từ mọi tầng lớp xã hội nên hình thức và nội dung rất đa dạng. Điều này thu hút sự chú ý của công chúng. Việc giao tế trong xã hội đã chuyển từ không gian vật lý lên không gian mạng. Hai thế giới này có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế, các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Do vậy, việc ban hành một bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội chung, để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng là điều cần thiết.

Muốn tránh xa những sự lôi kéo xấu xa này, người trẻ nên tự trang bị cho mình nhiều thú vui lành mạnh như đọc sách, xem phim, tập thể thao, nghiên cứu khoa học…

Chúng ta cần trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên ngay từ trường học cũng như có các lớp thảo luận trên lớp, trong câu lạc bộ, kênh truyền thông đại chúng để tạo "sức đề kháng" cho mỗi người./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ