(Tổ Quốc) - Ngày 13/9, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức lớp tập huấn về nâng cao tay nghề về chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; kỹ năng năng truyền nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2023.
Tham gia lớp tập huấn có 90 học viên là nghệ nhân, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong 3 ngày (từ ngày 13 -15/9) các học viên sẽ được các báo cáo viên truyền đạt 03 chuyên đề. Chuyên đề 1: lồng ghép tuyên tuyền về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tuyên truyền Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum". Chuyên đề 2: kỹ năng nâng cao tay nghề về chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; kỹ năng năng truyền nghề truyền thống của các DTTS. Chuyên đề 3: Một số nội dung về phong tục tập quán, văn hóa, các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ; chiếu phim tư liệu hướng dẫn về quy trình sản xuất một số nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong đợt tập huấn này các học viên sẽ có 01 ngày đi tham quan học tập kinh nghiệm thực tế tại một cơ sở dệt thổ cẩm trên địa bàn thành phố Kon Tum. Lớp tập huấn nhằm mục đích đổi mới phương thức sản xuất và định hướng phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn bảo tồn nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đồng bào các DTTS tại chỗ tại tỉnh Kon Tum từ xa xưa đã xuất hiện những nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm, ... Nghề truyền thống đã vun đắp, bồi dưỡng được các nghệ nhân tài hoa, làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa; đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của các DTTS tại chỗ tại tỉnh Kon Tum.
Theo số lượng thống kê của Ban Dân tộc, số người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh so với thời gian đầu phê duyệt Đề án ngày càng tăng lên, từ 2.220 người (năm 2015) tăng lên 12.170 người (năm 2020). Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm từ nghề truyền thống chưa đa dạng, phong phú, chưa theo kịp thị hiếu đối với thị trường hiện tại trong và ngoài nước, hơn nữa các sản phẩm cùng loại được thay thế bằng các chất liệu khác có độ bền hơn, mẫu mã đẹp hơn, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm làm từ nghề truyền thống, vì vậy khó khăn trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.