Tên anh gắn liền với những chiến công bất tử
(Tổ Quốc) - Những con người bằng da bằng thịt với ý chí kiên cường của mình đã không quản ngại khó khăn, không tiếc những giọt máu của mình để kiên quyết bám trụ và mở ra một tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.
Tên anh -những người anh hùng chân đất áo vải- đã gắn liền với chiến công bất tử trong những năm tháng khốc liệt của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Mấy chục năm trôi qua, giữa đại ngàn Trường Sơn một thời hứng chịu "mưa bom, bão đạn" ấy đã dần lùi về quá khứ. Một đại ngàn Trường Sơn khác hẳn, một đại ngàn Trường Sơn tĩnh lặng đang vỗ về giấc ngủ ngàn thu của những thế hệ trẻ không tiếc máu, tiếc xương, không quản ngại gian khổ, khó khăn để viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Những cung đường được tạo nên bởi mồ hôi, nước mắt của dân công hỏa tuyến, những trọng điểm bị đế quốc Mỹ ngày đêm đánh phá bằng những loại bom khủng với hàng triệu, hàng triệu tấn được rải xuống nhằm chặt đứt tuyến đường vận chuyển vũ khí chiến lược phục vụ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Nhưng tất cả vẫn không thể khuất phục bản lĩnh, ý chí của những người "anh hùng chân đất áo vải" khi dưới làn bom đạn ác liệt đó, họ vẫn sống, vẫn tồn tại để bảo vệ, đảm bảo giao thông thông suốt cho từng đoàn xe nối đuôi nhau ra chiến trường…
Những cung đường 20 quyết thắng, đường 10, Khe Thui, Phà Long Đại (Quảng Bình)… là những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh khi những người dân công hỏa tuyến, bộ đội hàng ngày phải sống dưới làn mưa bom bão đạn, ở nơi sự sống và cái chết mong manh… nhưng những con người ấy vẫn lạc quan, yêu đời và vượt lên tất cả để cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc.
Hơn hai vạn người con của Tổ quốc vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn trong cuộc chiến đấu oanh liệt kéo dài gần hai thập kỷ. Họ là những chàng trai, cô gái mới chỉ đôi mươi nhưng tất cả đều đồng sức, đồng lòng cùng nhau mang tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho tổ quốc.
Những con người ấy trở thành biểu tượng sáng ngời bởi ý chí, bản lĩnh, trí tuệ làm nên biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất non sông vĩ đại…
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Gio Linh - Quảng Trị) hôm nay là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ đã dâng hiến tuổi xuân mình cho màu xanh hòa bình của Tổ quốc, dâng hiến những giọt máu trong tim của họ cho độc lập tự do của thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau này.
Có lẽ, mỗi người dân Việt Nam, ai cũng mong rằng mình được một lần đến đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ, tri ân những người anh hùng đã mang tuổi xuân của mình dâng tặng cho chúng ta cuộc sống hòa bình hôm nay.
Thế hệ chúng tôi, những người được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, hạnh phúc và ấm no nhưng không ai có thể quên được một chặng đường lịch sử của dân tộc, không ai không biết đến một con đường huyền thoại của đất nước. Chúng tôi được học, được đọc, được xem từng trang sách, từng thước phim ghi lại trang sử vẻ vang của dân tộc huyền thoại được viết nên bằng máu, nước mắt và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân của những thế hệ cha ông đi trước.
Gần 50 năm trôi qua, những người anh hùng chân đất áo vải ấy đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường khốc liệt. Những ngày tháng bảy ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đâu đó vẫn những tiếng khóc nghẹn ngào của người thân khi gặp lại tên của liệt sĩ trên bia mộ. Những lời trách móc nghe ai oán, tiếng vợ gọi chồng, con gọi cha, em gọi anh, đồng đội gọi tên những người nằm dưới mộ mà rưng rưng dòng nước mắt…
Thắp nén hương thơm bày tỏ sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi – thế hệ trẻ của đất nước – trân trọng giá trị của cuộc sống mà những người anh hùng chân đất áo vải đã đánh đổi bằng cả tuổi xuân, bằng máu và trái tim yêu thương của mình cho những chiến công bất tử của Tổ Quốc.
Tên anh! Những người liệt sĩ gắn liền với những chiến công bất tử của của non sông đất nước.