• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tết Nguyên đán với người Chăm

Văn hoá 06/02/2019 08:42

(Tổ Quốc) - Người Chăm vốn dĩ không có Tết cổ truyền – Nguyên đán mà chỉ có các lễ hội theo phong tục của người Hồi giáo. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hòa chung không khí ngày Tết Nguyên đán của người Kinh, người Chăm cũng tất bận vui xuân, đón năm mới.

Tết Nguyên đán với người Chăm - Ảnh 1.

Ramdan từ lâu đã trở thành ngày "hẹn truyền thống" của những thành viên trong cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo - Ảnh Hiếu Nguyễn

Ramadam, lễ hội lớn nhất năm của ngươi Chăm

Người Chăm theo phong tục của người Hồi giáo, chính vì vậy đối với họ lễ Ramadam là lễ hội lớn nhất năm. Đó là khoảng thời gian một tháng mà những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn, uống, hút thuốc... từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, mọi sinh hoạt đều tổ chức vào ban đêm. Tuy nhiên theo luật đạo Hồi, Thánh lễ này chỉ áp dụng cho người khỏe mạnh, còn những người đang ốm, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi... được miễn trừ.

Điều đặc biệt là lễ Ramadan được tính theo lịch Mặt trăng của người Ả Rập (phụ thuộc vào ngày xuất hiện đầu tiên của trăng lưỡi liềm - ấn định tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo) nên không có thời điểm nào cố định.

Lễ Ramadam chính là dịp để người Chăm tự kiểm điểm lại những hành vi đúng-sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua, từ đó quyết tâm khắc phục, sửa chữa và sám hối.

Trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (vì tuyệt đối không ăn thịt heo và chó, nên bà con không nuôi những con vật này) để khi "ra lễ" sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường.

Những ngày trong tháng ăn chay, từ rạng đông đến chạng vạng tối, mọi người phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống rượi bia, không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết trong cộng đồng. Trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, đồng bào không được tổ chức vui chơi, hát xướng.

Tháng Ramadan còn được biết đến là tháng của những điều tốt lành, những hành vi và cử chỉ nghĩa hiệp, nhân ái, qua đó để mọi người càng yêu thương, giúp đỡ người nghèo khó hơn mình. Trong tháng lễ Thánh linh thiêng này, người Hồi giáo làm những việc thiện, hữu ích cho cộng đồng, tránh mọi việc làm xấu, bất kính với thánh Ala.

Chính vì vậy, trong tháng Ramadan, những gia đình khá giả, giàu có thường chuẩn bị những phần đồ ăn miễn phí và bày công khai, trang trọng tại các địa điểm tập trung để tặng người nghèo hay bất kỳ khách hành hương nào muốn ăn.

Thức ăn truyền thống của người Chăm trong những buổi tiệc tùng là hai món cà-ri và cà-púa. Tên gọi hai món ăn này là nói theo tiếng Ấn Ðộ, nhưng truy nguồn gốc thì cà-ri là món ăn ưa thích của người Ấn, còn cách làm cà-púa giống với cách làm của người Thái-lan. Cà-ri nấu với khoai; cà-púa không nấu chung với món nào hết, với gia vị mạnh và cay hơn cà-ri…

Với những phong tục cổ xưa, cùng niềm tín ngưỡng như vậy, Ramdan từ lâu đã trở thành ngày "hẹn truyền thống" của những thành viên trong cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn đề thiết đãi bạn bè mà không kể thân sơ.

Người Chăm vui xuân đón Tết

Ngoài lễ hội Ramadam cùng các lễ hội truyền thống khác, ngày nay, người Chăm ở các địa phương như Ninh Thuận, An Giang…cũng tổ chức vui xuân, đón Tết Nguyên đán với người Kinh.

Tết Nguyên đán với người Chăm - Ảnh 2.

Cộng đồng người Chăm cũng tất bật chuẩn bị để đón năm mới và cùng ăn Tết Nguyên đán - Ảnh Hiếu Nguyễn

Tết Nguyên đán, người Chăm cũng tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa để đón chào năm mới. Vào những ngày Tết, người Chăm cũng ăn uống, vui chơi và thăm hỏi người thân, bạn bè như người Kinh. Mặc dù Tết Nguyên đán không phải là tết chính của người Chăm, nhưng nhưng hòa vào không khí chung của dân tộc, giờ người Chăm lại có thêm một cái tết nữa. Những ngày Tết Nguyên đán, trong mỗi gia đình, các thành viên quây quần bên nhau cùng tham gia làm các loại bánh, các món ẩm thực đặc trưng truyền thống để đón Tết. Cũng như Tết truyền thống Royah Haji, Tết Nguyên đán trong mâm cỗ của người Chăm bao giờ cũng có những món ngon đặc sản truyền thống như cà ri, cà púa, phú ku hay còn gọi là tung lò mò và cơm nị...

Với người Chăm, đây cũng là dịp để giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã đi qua với những việc làm được, chưa được để năm tới phấn đấu hơn nữa.

Cùng với không khí ăn Tết Nguyên đán, chúc mừng năm mới là các hoạt động vui chơi, múa hát. Những ngày này, các nam thanh nữ tú tập trung tại tiểu thánh đường cùng nhau ca múa lên những giai điệu truyền thống của người Chăm hay tham gia các hoạt động sinh hoạt cồng đồng như đua nghe, đá bóng…

Tết Nguyên đán với người Chăm - Ảnh 3.

Ảnh Hiếu Nguyễn

Đối với người Chăm, nếu như các lễ hội truyền thống là dịp để thực hiện các nghi lễ với các vị thần, thì Tết Nguyên đán là dịp để vui chơi, sum họp gia đình.

Vì thế, đã từ lâu, ngày Tết Nguyên đán không chỉ còn là của riêng người Kinh nữa. Tết Nguyên đán cũng đã là một trong những sự kiện quan trọng trong năm của người Chăm. Tết không chỉ đơn thuần là không khí sum họp gia đình mà còn là cái Tết chung của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em chung sống thuận hòa, nghĩa tình trên dải đất Việt Nam thân yêu.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ