(Tổ Quốc) - Tết xưa thơ bé là cuốn sách mới nhất của Hương Thị vừa được ra mắt độc giả đúng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề.
Cuốn sách gồm 16 bài được viết rải rác trong khoảng chục năm trở lại đây, đã đăng trên các báo Tết, nay tập hợp lại vì chung một chủ đề là về Tết của tuổi thơ với rất nhiều cung bậc và cảm xúc.
Với những người lớn thuộc thế hệ 7x, 8x sẽ thấy như gặp lại tuổi thơ của mình bởi sự thiếu thốn rất đặc trưng. Có lẽ vì thiếu về vật chất nên mỗi dịp Tết đến niềm vui như đong đầy hơn, lâu hơn, khắc sâu vào kí ức hơn. Nói cách khác, thiếu về vật chất nhưng được bù lại rằng những niềm vui, những món quà tinh thần vô giá từ người mẹ, người chị - những con người đôn hậu, tần tảo và chắt chiu cho đứa con của mình có một cái Tết đầy đủ nhất có thể.
Đọc Tết xưa thơ bé, độc giả sẽ bắt gặp hình bóng mẹ trong "Tết bắt đầu từ bếp" bởi những câu văn đầy xúc động, chân thành và giản dị. Không những thế từng câu chữ còn khiến ta rưng rưng với nỗi niềm con trẻ của một thời nghèo khó với những đứa trẻ thiếu ăn mà phải đợi Tết đến. Tết đồng nghĩa với được ăn ngon, ăn nhiều. Người chế biến, chuẩn bị những món ăn ấy đương nhiên là mẹ. "Tết đã về, nghĩa là suốt ngày con đường của mẹ như nối thẳng từ chợ tới bếp... Sáng sớm ngày ra đã thấy mẹ ngồi trong bếp cứ như thể mẹ thức suốt đêm cùng bếp mà chờ tết vậy... Tết của mẹ bắt đầu từ bếp. Tết của tôi cũng bắt đầu khi nhìn thấy mẹ trong căn bếp đó".
Tết còn là những đàn gà, buồng chuối chắt chiu, là những chiếc thúng mủng dần sàng bà đan mang bán để góp phần cho cái Tết thêm đủ đầy. Tết là ao cá, là những buổi chợ thèm thuồng náo nức...
Tác giả của cuốn sách Tết xưa thơ bé
Tết có khi là những điều rất trẻ con, càng kiêng kị hèm thì lại càng cứ hay nói, hay làm những điều cấm kị (Rưng rưng nhớ những kị hèm). Rất nhiều tục lệ kị hèm như không được nói những điều xui xẻo, không để bị đòi nợ ngày đầu năm mới, tránh đổ vỡ… Chỉ duy tục "không quét nhà" trong suốt những ngày Tết là khiến cô bé thích nhất.
Có khi Tết là những nghèo đói đến nỗi cành đào ngày xuân phải được "để dành" từ năm trước, trơ cành đen xỉn và được "hóa phép" bằng giấy màu để có cái đón xuân.
Tết là mùa xuân với những mơ màng và tình yêu ngây thơ, hồn nhiên với hoa đào, với bầy chim én khi ngồi nhiều ngày trời để chờ hoa đào nở, chờ đông tàn qua đi, các bạn én lại về...
Ngoài những niềm vui thầm kín, thậm chí "không giống ai" mà dường như chỉ có trẻ con mới có, mới cảm nhận được để đút riêng nó vào chiếc túi ký ức, để đi theo mãi với thời gian của đời người thì trên hết, người đọc vẫn thấm thía, nâng niu và trân trọng cái không khí gia đình ấm cúng, rộn ràng trong "Làm cỗ ngày 30 tết", để "Đón giao thừa trong mùi trầm thơm vấn vít" với không gian êm đềm, với hạnh phúc ấu thơ không có lại bao giờ.
Điều đặc biệt là, dù bài viết nào cũng vậy, tác giả đều đứng ở điểm nhìn hiện tại, khi đã làm mẹ để nhìn về Tết. Đặt câu hỏi vì sao một tuổi thơ trong veo, hồn nhiên như thế, tác giả lại không đứng ở điểm nhìn của chính mình hôm qua để viết về Tết hôm nay, Hương Thị chia sẻ: "Tết đến, tôi như gặp lại mình trong các con, trong những niềm vui, nỗi háo hức, chờ mong đã tưởng chừng như quá xa xôi với người lớn".
Đó chính là nỗi niềm gửi gắm trong bài viết đầu tiên "Áo Tết cho con" và xuyên suốt cuốn sách cũng chính là cảm hứng ấy. Vừa mừng vì các con có tết đủ đầy hơn cha mẹ ngày xưa nhưng cũng như tiếng thở dài tiếc nuối những ngày thơ bé xa xôi, những niềm vui nhỏ bé mà khiến tâm hồn rưng rưng, xúc cảm kéo dài nhiều ngày trời".
Tết đến, tôi như gặp lại mình trong các con, trong những niềm vui, nỗi háo hức, chờ mong đã tưởng chừng như quá xa xôi với người lớn
Hương Thị
Có lẽ lý do khiến tác giả đã lựa chọn điểm nhìn của một người mẹ để viết về Tết xưa và nay còn bởi ta thấp thoáng thấy phần nào tâm sự riêng của tác giả nhưng cũng chính là một phần nỗi niềm của những người lớn thời hiện tại, của thế hệ 7x, 8x.
Cuốn sách được viết với nhiều giọng điệu, lúc hồn nhiên, tinh nghịch, dí dỏm, có lúc lại khiến người đọc phải trầm ngâm, phải dừng lại để tự ngắt quãng cảm xúc hiện tại của bản thân để hồi tưởng, ngậm ngùi.
Tác giả Hương Thị sinh năm 1984, là tác giả của các cuốn sách trước đó như: Thuê bao quý khách… (từng được giải thưởng văn học tuổi 20), Mùa trôi trên quang gánh, Tũn Tồ cùng một số giải thưởng văn chương khác. Hiện tác giả đang làm báo tại Hà Nội.