• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức đối với doanh nghiệp khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số

Văn hoá 29/09/2022 14:04

(Tổ Quốc) - Ngày 28/9, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”.

Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức thảo luận mở, là diễn đàn để các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số, kinh tế số chia sẻ về xu hướng phát triển của nền kinh tế online, cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi bước ra sân chơi toàn cầu. Đây là dịp mà đại diện đến từ các cơ quan quản lý cùng lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số với những cơ hội và thách thức trên môi trường số để từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trên môi trường số.

Theo Ban tổ chức, nội dung chính của tọa đàm xoay quanh thảo luận về các chủ đề: Vai trò kinh tế online trên toàn cầu và cơ hội cho các nhà sáng tạo Việt Nam; những thách thức của nhà sáng tạo khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số; khung chính sách quản lý và vai trò của cơ quan nhà nước trong thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến.

Thách thức đối với doanh nghiệp khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”

Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect cho biết: Việt Nam chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển, 8 năm qua vừa làm vừa mò mẫm. Trong thời gian qua, Việt Nam có sự phát triển mạnh kinh tế số nhưng cũng gặp phải các trở ngại lớn về vấn đề bản quyền. Việt Nam dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế trên nền tảng Internet rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Còn ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group, công ty vận hành 500 kênh YouTube và các nền tảng số khác cho rằng: Đơn vị từng gặp vấn đề sản xuất nội dung về âm nhạc, sản xuất khi có một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát nên không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa được quan tâm đúng mức, nhất là doanh nghiệp. Việc hưởng ứng của doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ thực sự đang là vấn đề lớn. Quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ, khi sản phẩm sáng tạo ở Việt Nam chỉ được bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Còn tại quốc gia khác sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia đó. Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ thuê dịch vụ là xong mà cần có nhận thức đúng và có đầu tư đội ngũ làm sở hữu trí tuệ để có cách tiếp cận phù hợp. Trên thực tế, doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng.

Năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước. Trong đó cơ cấu thành phần kinh tế số Internet, nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP. Dự báo doanh thu kinh tế Internet giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021 là 21 tỷ USD.

Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như: Phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp tham gia sản xuất nội dung số, các chuyên gia cho rằng trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Trong đó có thể kể đến, mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng…

Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng. Song thực tế trên Internet thì rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài. Cụ thể, thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Khả năng áp dụng pháp luật hiện hành với các chủ thể nước ngoài hoặc ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam chưa mạnh khiến tính tuân thủ pháp luật của các chủ thể này chưa cao, gây thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong nước và thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, kết nối nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn cũng làm tăng rủi ro về quy mô và tác động của tội phạm mạng và các cuộc tấn công trên không gian mạng. Đồng thời, sự thiếu hụt lực lượng lao động đảm bảo kiến thức và kỹ năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp còn non trẻ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ nước ngoài

Các đại biểu tại tọa đàm cho rằng, để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ khi hội nhập vào nền kinh tế internet, rất cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội... quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ