(Tổ Quốc) - Chỉ một ngày sau khi giá dầu tương lai tháng 5 tụt xuống mức âm, giá dầu tương lai giao tháng 6 cũng đang sụt giảm nghiêm trọng và tụt xuống dưới 12 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch vừa diễn ra, hợp đồng dầu tương lai giao tháng 6 đã giảm tới 43%, đóng cửa ở mức dưới 12 USD/thùng tại New York. Sự sụt giảm mạnh về nhu cầu do đại dịch cùng việc thiết hụt nơi chứa trên quy mô toàn cầu tạo ra những cú sập liên tiếp với giá dầu, gây ra tình trạng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử.
Cú sập lan khắp thị trường dầu mỏ toàn cầu đã thổi bay hàng chục nghìn việc làm và đóng băng hàng tỷ USD chi tiêu vốn trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Hiệu ứng giảm phát của nó đe dọa đến các nền kinh tế, vốn đang tê liệt vì các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, dẫn tới việc giảm đáng kể lượng dầu tiêu thụ. Hiện tại, bể chứa, đường ống và các tàu chở dầu đã trở nên quá tải bởi nguồn cung quá lớn.
Pierre Andurand, nhà sáng lập Andurand Capital Management LLP, nhấn mạnh: "Dầu hiện nay là một thị trường nguy hiểm để giao dịch. Thị trường này cần các hoạt động sản xuất quay trở lại để có thể phục hồi giá".
Cú sập của giá dầu cũng lan tới thị trường ETF. United States Oil Fund LP, quỹ giao dịch dầu thô lớn nhất, đã chuyển một số hợp đồng dầu WTI của mình sang các tháng tiếp theo. Sự chênh lệch giá giữa tháng 6 và tháng 7 của dầu WTI đang là 1 USD/thùng.
Dầu WTI giao tháng 6 giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng tại New York. Các hợp đồng dầu giao tháng 5 đóng cửa ở mức 10,01 USD/thùng nhưng có số giao dịch rất mỏng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 24%, đóng cửa ở mức 19,33 USD/thùng.
Một báo cáo của Viện dầu mỏ Mỹ cho biết các kho dự trữ dầu thô ở nước này đã tăng lên 13,2 triệu thùng trong tuần trước. Riêng nguồn cung tại Cushing, Oklahoma đã tăng 4,91 triệu thùng. Không chỉ ở Mỹ, tình trạng các kho chứa hết chỗ được bắt gặp trên toàn thế giới.
Bộ trưởng dầu mỏ của các nước OPEC đã tổ chức một cuộc họp bất thường vào thứ 3 để thảo luận về những cú sập của giá dầu cũng như tìm giải pháp cho vấn đề. Trước đó, các nước OPEC và Mỹ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhưng nó không giúp tình hình ổn định hơn. Việc cắt giảm đang được kêu gọi tiến hành càng sớm càng tốt và có thể dầu sẽ được cắt giảm nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang thực hiện kế hoạch nhằm ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Trước đó, Mỹ đã tung gói cứu trợ 2.000 tỷ USD nhằm hạn chế tới mức tối thiểu tác động của đại dịch với nền kinh tế nước này.
Bình luận