(Tổ Quốc) - Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.
- 16.08.2024 Sửa Luật Quảng cáo: Làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo
- 13.06.2024 Vấn đề quảng cáo xuyên biên giới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhận được nhiều sự quan tâm
- 08.06.2024 Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8
- 27.04.2024 Lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam
- 15.04.2024 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8
Quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định được vị trí trong hoạt động của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh sự phát triển của các phương tiện, nội dung quảng cáo cũng phong phú, đa dạng đặc biệt là hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng gây tác động lớn đến xã hội.
Tuy nhiên, Luật Quảng Cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật…
Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.
Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Các thông tin bắt buộc nên được đưa dưới dạng QR code đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời
Tại Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 8/2024, về vấn đề quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cập nhật nội dung quy định tại điều 18 Luật Đường bộ về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và quy định của pháp luật về xây dựng để quy định đồng bộ, thống nhất về phương tiện quảng cáo trong dự thảo Luật Quảng cáo; đồng thời khắc phục tình trạng các hoạt động quy hoạch quảng cáo ngoài trời ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến việc hàng loạt các biển bảng quảng cáo phát triển tự phát và lộn xộn, gây mất hình ảnh, mỹ quan đô thị khu vực.
Về cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức bồi thường theo quy định của pháp luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá quá trình quy hoạch cũng như các đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã cũ, đang xây dựng, thẩm định dự thảo Đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Ngoài trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và thực hiện quy hoạch ngoài trời tại địa phương, UBND cấp tỉnh còn có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của địa phương và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Góp ý người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, “hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội" như dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng quảng cáo thông qua flycam đã được thực hiện và phát triển ở một số nước. Như vậy, Việt Nam cũng sẽ sử dụng flycam trong hoạt động quảng cáo.
Vì vậy, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình bằng flycam, trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự".
Góp ý về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, dự thảo quy định về "Nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ". Do vậy, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh về cạnh tranh lành mạnh.
Đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời, một số ý kiến cho rằng, thời gian từ lúc người dân tiếp nhận thông tin rất ngắn chỉ khoảng 10 giây nên việc truyền tải nội dung quảng cáo phải xúc tích, ngắn gọn không như quảng cáo trên báo in, truyền hình, xuyên biên giới có nhiều thời gian truyền tải nhiều nội dung hơn.
Vì vậy, các đại biểu đề xuất các thông tin bắt buộc nên được đưa dưới dạng QR code để dẫn đến trang đích sẽ có đầy đủ các nội dung thông tin bắt buộc và các thông tin chi tiết của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Như vậy, sẽ không bị thiếu thông tin và cũng không chiếm diện tích quảng cáo.
Về việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời, đại biểu Trần Thanh Vương - đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị bỏ quy định về việc quy hoạch vị trí chi tiết, xác định diện tích đất và mục đích sử dụng đất đối với việc lập quy hoạch vị trí quảng cáo ngoài trời.
Cần đấu thầu các vị trí quảng cáo ngoài trời có thời gian đặt biển quảng cáo lâu dài ổn định
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo 2012, đáp ứng sự phát triển đa dạng của các loại hình quảng cáo, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu quảng cáo và người tiêu dùng, đưa quảng cáo Việt Nam bắt kịp với khu vực và thế giới và đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển các ngành dịch vụ, văn hóa cũng như tăng trưởng, phát triển kinh tế Việt Nam.
Đối với nội dung về quảng cáo ngoài trời, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, cần quy định rõ hơn về các tiêu chuẩn quảng cáo ngoài trời để các bộ, ngành, địa phương nhất quán áp dung. Bên cạnh đó, kiến nghị tăng chế tài đối với quảng cáo rác, quảng cáo ngoài trời một cách khá tràn lan như các quảng cáo về cho vay nặng lãi, cầm đồ, sửa chữa, đồ ăn uống….hiện nay.
Ở góc độ khác, Phó Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và phát triển Phan Văn Lâm cho rằng, để hoạt động quảng cáo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh chống thất thu ngân sách và nhằm xóa bỏ cơ chế xin – cho, yêu cầu đối với các vị trí quảng cáo ngoài trời có thời gian đặt biển quảng cáo lâu dài ổn định cần được đưa vào đấu thầu.
Việc làm này vừa phát huy được giá trị vị trí quảng cáo, mặt khác còn thể hiện được tính chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đấu thầu lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt trong hoạt động quảng cáo.
Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương diễn ra tình trạng các tấm biển quảng cáo ngoài trời tại các vị trí trung tâm, đẹp của thành phố gắn rất nhiều tấm biển quảng cáo cỡ lớn che khuất hết công trình kiến trúc đẹp của thành phố như tòa nhà bưu điện, trung tâm văn hóa, hội nghị…Vì vậy, đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nên chăng việc thực hiện quy hoạch vị trí quảng cáo diễn ra hàng năm cần có ý kiến thống nhất từ Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải trong quy hoạch vị trí quảng cáo để đảm báo tính khoa học và thẩm mỹ./.