(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh “người người làm thơ”, “nhà nhà in thơ” nhưng để có được những bài thơ neo vào tâm trí độc giả thì như mò kim đáy biển, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lời kêu gọi trên tại Ngày thơ Việt Nam 2017.
- 12.01.2017 Những nét mới trong Ngày thơ Việt Nam 2017
- 08.02.2017 Không có “Sân thơ trẻ” trong Ngày thơ Việt Nam 2017
- 11.02.2017 Ngày thơ Việt Nam 2017 trên khắp mọi miền Tổ quốc
- 11.02.2017 Người yêu thơ nô nức đến Ngày thơ Việt Nam
- 12.02.2017 Có nên chuyển “Ngày thơ VN” thành “Ngày văn học VN”?
Nói về quan niệm thế nào là một bài thơ hay và làm thế nào để có thơ hay, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa là điều rất khó. Tuy nhiên “thần đồng thơ” vẫn đưa ra quan niệm của mình, ông cho rằng, thơ hay là thơ gồm 6 chữ: Giản dị, ám ảnh, không quên. Còn làm thế nào để có thơ hay thì tốt nhất chúng ta không viết thơ dở. Còn làm thế nào để không viết thơ dở, có phải ai cũng viết được thơ hay đâu, mùa này viết được hay năm sau lại viết thơ dở òm.
"Để có thơ hay thì tốt nhất các nhà thơ cần phải gương mẫu là không làm thơ dở" |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ một câu chuyện về thơ của mình: Tôi viết bài thơ “Sao không về Vàng ơi” vì một bác đến kiểm tra “khả năng thơ” bị đồn thổi là thần đồng của Trần Đăng Khoa với “đề bài” con chó bị mất. Thế nhưng con chó đi rồi mấy ngày sau nó lại về thế là ngay đêm ấy “thần đồng thơ” viết bài “Chó về” dở không thể nào chịu được.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tiết lộ, mỗi năm thơ tôi tái bản rất nhiều và mỗi lần tái bản tôi lại sửa. Nhiều người bảo tôi ngày xưa là “thần đồng” bây giờ “thần kinh” rồi, bởi lấy tư duy của người 60 tuổi áp vào đứa bé trên dưới 10 tuổi. Lý do nhà thơ Trần Đăng Khoa “sửa thơ” của mình vì ông cho rằng đây là thơ của một đời thơ chứ ông không nghĩ đây là thơ của một “cậu bé” nên cứ loay hoay sửa mãi.
Tôi nghĩ rằng để có thơ hay thì tốt nhất các nhà thơ cần phải gương mẫu là không làm thơ dở. Nếu đã trót làm thơ dở thì kiên quyết không in. Bây giờ không chỉ có nhà thơ làm thơ, rất nhiều các bác trong CLB thơ làm thơ. Nếu nhắc đến thơ Đường người ta sẽ nhắc đến ba nhà thơ khổng lồ là Lý Bạch, Đỗ Phủ, và Bạch Cư Dị. Nhưng giờ nếu chọn bài thơ hay nhất của thơ Đường thì ba ông khổng lồ này lại không có, mà là một nhà thơ chỉ có một bài thôi. Cụ Vũ Đình Liên có mỗi bài “Ông đồ” thôi nhưng cụ ngồi lẫn với Nguyễn Du, Xuân Diệu… và những nhà thơ rất lớn thế nên mỗi nhà thơ cố gắng làm một bài thôi mà hấp dẫn như bài thơ “Ông đồ”. Nếu nước ta có 800 nhà thơ mà mỗi người chỉ cần có một bài thơ hay thì nền thơ ca của nước ta mạnh lắm - Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ. Và đây có lẽ là lý do nhà thơ Trần Đăng Khoa kêu gọi mỗi người chỉ làm một bài thơ thật chất lượng, một bài thơ “để đời”.
Người ta thường nói “Văn mình vợ người” để chỉ người làm thơ “không biết” thơ mình dở. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa đã là nhà thơ thì phải biết phân biệt thơ hay và thơ dở. Nếu nhà thơ mà không biết phân biệt thơ dở thì rất nguy hiểm.
Nói về số lượng thơ ở tầm mức “Câu lạc bộ” hiện nay, nhà thơ Trần Quang Quý - quyền Giám đốc NXB Hội Nhà văn từng tiết lộ một con số: khoảng 65% các tập thơ in ở NXB Hội Nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết có một người viết truyện thì phải có khoảng mười người viết thơ. Ngoài ra, bên cạnh các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì trên cả nước còn không đếm hết và không thể liệt kê chính xác có bao nhiêu câu lạc bộ thơ ở các cấp xã, phường, thành phố…
Hà Anh