(Tổ Quốc) - Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật và có ý nghĩa lớn lao trong việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền.
Hội diễn năm nay diễn ra từ 1 - 5/8, tại tỉnh Nghệ An. Việc tổ chức Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền năm 2023, tại quê hương Bác Hồ là dịp tỉnh Nghệ An thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo đến nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, nhắc nhở những người làm công tác văn hóa phải có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) cho biết: "Hội diễn đàn và hát dân ca ba miền tại tỉnh Nghệ An, được tổ chức 3 năm một lần. Với lần tổ chức này đã thu hút đông đảo các tỉnh tham gia. Đồng thời đây cũng là một dịp quảng bá giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể đến với công chúng bằng những lời ca tiếng hát, những làn điệu dân ca vô cùng mộc mạc thể hiện tình yêu quê hương đất nước, bộc bạch những tình cảm giản dị trong đời sống quần chúng nhân dân.
Tham gia hội diễn lần này, ngoài các nghệ nhân, còn có các nghệ sĩ trẻ, thông qua hội diễn, nhằm giáo dục truyền dạy những làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ. Trong hội diễn năm nay, Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An thực hiện livestream các buổi thi tại hội diễn để giới thiệu trên toàn quốc."
Phần trình diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị mang tới Hội diễn năm nay thực sự được tạo nên từ những xúc cảm sâu sắc, những suy cảm tinh tế không chỉ của người trình diễn mà trong sâu thẳm những lời ca tiếng hát ấy chứa đựng lòng tri ân vô bờ với người nông dân cần cù chịu khó, một nắng hai sương, với quê hương đất nước.
Về Hội diễn năm nay, Nhạc sĩ - NSƯT Lương Nguyên, thành viên Ban giám khảo Hội diễn đã chia sẻ trong sự vui mừng, phấn khởi: "Hội diễn đàn và hát dân ca ba miền do Bộ VHTTDL tổ chức, tôi có may mắn là được tham dự lần này là lần thứ 3 với vai trò là ban giám khảo. Qua mấy chương trình đầu, thì đến năm nay, tôi thấy rất mừng, bởi vì Hội diễn năm nay chất lượng của các tiết mục được đầu tư kỹ lưỡng với chất lượng nghệ thuật cao hơn so với các mùa trước. Mỗi cuộc thi có một tiêu chí và các đoàn phải theo các tiêu chí đó, mà nội dung chính của Hội diễn vẫn là dân ca. Dân ca bao gồm trong đó những yếu tố: dân vũ, tân nhạc… và ở đây tôi thấy các phần trình diễn đều có đầy đủ những tố chất đó.
Có những đoàn bám rất sát nội dung tiêu chí của chương trình như là Đoàn nghệ thuật tỉnh Cần Thơ, họ có cách diễn ngây thơ, phản ánh đúng bản chất dân ca. Và nếu công chúng theo dõi phần biểu diễn của Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, công chúng sẽ thấy được hương sắc núi rừng mà ở đấy chất dân ca của người Nùng, người Tày, người Dao ở Bắc Kạn được bảo tồn một cách nguyên vẹn. Với phần trình diễn hát Ví Giặm của Đoàn nghệ thuật tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thì chất lượng đã được chăm chút tỉ mẩn và được nâng lên một mức mà tôi nghĩ là thỏa đáng."
Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền cũng là cơ hội để các nghệ sĩ diễn viên 3 miền được gặp gỡ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, từ đó sẽ phát hiện thêm các tài năng nghệ thuật mới. Đến tham gia Hội diễn năm nay, ngoài các nghệ nhân, nghệ sĩ lâu năm, cũng có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ, đây cũng là dịp để giáo dục, trao truyền những làn điệu dân ca cho thế hệ sau.
Nghệ sĩ Lý Thị Ngoan, thuộc Đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang bày tỏ niềm tự hào khi được tham gia Hội diễn năm nay, được tổ chức tại Nghệ An: "Đến với hội diễn, tôi thật sự háo hức, đặc biệt sau khi hoàn thành phần biểu diễn của mình, tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi mình đã đem được bản sắc văn hóa và tinh hoa của dân tộc mình đến với hội thi lần này."
Đoàn nghệ thuật Tuyên Quang đã mang đến Hội diễn 5 tiết mục: Rừng Vọng (Dân tộc Lô Lô), Hát Then cổ Pế Hải Long Vương (Dân tộc Tày), Tấu đàn tính "Tiếng đàn Mùa xuân" (Dân tộc Tày), Hát then "Tuyên Quang quê em", Hát múa "Điều chưa từng thấy trong văn tự người Dao".
Nghệ nhân Dân ca Ví giặm Trần Văn Sang, thuộc Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh cũng không giấu nổi sự xúc động: "Tham gia Liên hoan Dân ca Đàn và hát dân ca ba miền, tổ chức tại Nghệ An năm nay, tôi thấy rằng Ban tổ chức cũng như các đoàn nghệ thuật tham gia có sự chuẩn bị rất là chu đáo, kỹ lưỡng từ nội dung cho đến hình thức tham gia liên hoan. Mỗi đoàn có một màu sắc khác nhau, mang đến bức tranh nhiều màu sắc của văn hóa truyền thống quê hương từ Bắc vào Nam.
Thật là vui mừng khi trên quê hương của Bác Hồ, trên quê hương của dân ca Ví Giặm được chào đón tất cả các đoàn nghệ thuật trên khắp cả nước tụ hội về đây, để mang những màu sắc, mang những nét văn hóa đặc trưng của đất nước tề tựu về đây và cùng nhau lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc. Từ đó, đồng lòng chung sức để giữ gìn và phát huy những vốn quý mà ông cha đã để lại cho hôm nay và mai sau"- nghệ nhân Trần Văn Sang chia sẻ thêm.
Việc lựa chọn Nghệ An là nơi diễn ra Hội diễn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi chính nơi đây là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nghệ An cũng là quê hương của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014.