• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại"

Giải trí 26/02/2023 16:01

(Tổ Quốc) - Chỉ với một chiếc guitar quen thuộc và những ngón đàn giàu suy tư mang hơi hướm Rock, Thắng Ngọt đã dẫn dắt cảm xúc khán giả theo từng câu chuyện qua thế giới âm nhạc của Nguyễn Tuấn.

Trong bầu trời âm nhạc của bất cứ quốc gia nào cũng có những ngôi sao ẩn mình. Họ là những nghệ sĩ tài ba, với bản ngã nghệ thuật vô cùng lớn và có thể tạo ra cả một trường phái nhạc cho riêng mình, được giới trong nghề nể trọng. Nhưng chính vì thứ ánh sáng họ phát ra quá khác biệt nên không đến được với đông đảo công chúng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn (còn gọi là Tuấn Gà) là một trường hợp đặc biệt như vậy. Bằng tư duy, thẩm mỹ âm nhạc độc đáo và bản ngã nghệ thuật quá lớn, anh đã tạo ra cả một trường phái âm nhạc mang tên mình, ảnh hưởng tới một lớp nghệ sĩ đàn em như Thắng Ngọt, Đinh Mạnh Ninh, Nguyễn Đình Tuấn Dũng…

Trường phái Nguyễn Tuấn được giới chuyên môn xem như một mã văn hóa đặc biệt vượt ngoài ranh giới âm nhạc, chạm tới cả thi ca, xã hội...

Nhưng cũng vì quá khác biệt, lập dị và không chạy theo bất cứ trào lưu, xu hướng thị trường nào, lại không bon chen, toan tính mà âm nhạc của Nguyễn Tuấn không được công chúng biết đến một cách rộng rãi. Bản thân anh đã không nhận được ánh hào quang đúng với tài năng mình có.

Tuy nhiên, các đồng nghiệp, đàn em của Nguyễn Tuấn vẫn rất kính trọng vả yêu mến anh bằng cả tấm lòng dành cho một người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc phận, một thứ âm nhạc tử tế và thuần chất nghệ thuật nhất.

Vì vậy, ngày 24/2 vừa qua, giới nghệ sĩ tại Hà Nội đã chung tay tổ chức đêm nhạc mang tên Nếu tôi có một tình yêu để kỷ niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn.

Những thanh âm lãng mạn, da diết tình yêu thương

Như tất cả những người nghệ sĩ khác, cảm hứng sáng tác chủ đạo trong âm nhạc Nguyễn Tuấn luôn bắt nguồn từ tình yêu. Đó là tình yêu lứa đôi, yêu gia đình, yêu con người, yêu cuộc sống, yêu vạn vật xung quanh…, một thứ tình yêu mộc mạc, chân thành, gắn với những giai điệu da diết, giàu xúc cảm. Đêm nhạc Nếu tôi có một tình yêu cũng bắt đầu bằng những ca khúc sâu lắng, ngọt ngào như vậy.

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 1.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng

Ca sĩ Nguyễn Đình Tuấn Dũng mở màn đêm nhạc bằng những điệu Funky đầy sôi động trong ca khúc Như một dấu bằng, khiến khán giả vô cùng hào hứng, phải vỗ tay theo trong sự thích thú.

Sau không khí hứng khởi, sôi động của Nguyễn Đình Tuấn Dũng là những thanh âm trong trẻo, tươi sáng như ánh nắng sớm mai qua tiếng hát thạc sỹ Nhật Huyền trong ca khúc Em là ai. Nữ ca sĩ xuất hiện trên sân khấu lộng lẫy như một nàng tiên.

Nhật Huyền vốn là giảng viên thanh nhạc đại học, chuyên về cổ điển thính phòng, nhưng vì quá yêu nhạc Nguyễn Tuấn nên đã quyết định thử sức mình. Cô chia sẻ:

"Bước ra khỏi vùng an toàn khiến tôi cảm thấy khá lo lắng. Nhưng khi âm nhạc cất lên, tôi dường như quên hết tất cả, chỉ muốn hát và thả mình theo cảm xúc của bài hát. Nhạc của anh Nguyễn Tuấn có nhiều mảng khá gai góc nhưng cũng có những ca khúc vô cùng trong sáng, thanh khiết như bài Em là ai. Nó giúp tâm hồn người nghe được hàn gắn trong yêu thương, thư giãn với sự du dương, mềm mại".

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 2.

Nhật Huyền

Vì hát cổ điển nên thế mạnh của Nhật Huyền là giả thanh, nhưng cô đã tập luyện rất nhiều để hát được giọng thật đầy truyền cảm. Trong ca khúc này, Huyền đã xuống trầm tới tận C3, khiến ai cũng phải ngạc nhiên.

Sau Nhật Huyền, Đinh Mạnh Ninh bước ra sân khấu đầy lịch lãm, như một chàng lãng tử với tiếng hát đầy tự sự, da diết và mãnh liệt. Cách nhả chữ, xử lý giai điệu của Đinh Mạnh Ninh vô cùng tinh tế, biến hóa khó lường. Trong một đoạn ngân, anh đã mixed tới C5, một nốt khá cao với giọng nam thông thường.

Là một người đàn em thân thiết với Nguyễn Tuấn, Đinh Mạnh Ninh chia sẻ: "Anh Tuấn có rất nhiều tình yêu từ bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Chúng ta đến đây gặp gỡ ngày hôm nay sau một năm anh đi xa và để nó trọn vẹn hơn thì hãy hát, hãy thưởng thức âm nhạc theo đúng cái cách mà anh ấy đã viết, anh ấy hát cho mọi người nghe một cách hồn nhiên nhất".

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 3.

Đinh Mạnh Ninh

Ca sĩ Thái Phong lại đem đến một cung bậc cảm xúc khác biệt, đầy khúc khuỷu, suy tư và trải nghiệm trong ca khúc Người Hải Phòng. Hải Phòng cũng là mảnh đất quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, nơi sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài hoa như Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Thu Phương… Nguyễn Tuấn cũng mang trong mình cái chất văn thơ đầy từng trải, phiêu lãng của người Hải Phòng và đưa nó vào âm nhạc theo cách riêng của mình, đậm chất phủi, tính hiện sinh, đa cảm.

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 4.

Thắng Ngọt và sự giao thoa đặc biệt với Nguyễn Tuấn

Tâm điểm của đêm nhạc là Vũ Đinh Trọng Thắng (Thắng Ngọt) – nghệ sĩ trẻ vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng nghe nhạc hiện nay, với vai trò leader nhóm Ngọt. Ai cũng biết đến Thắng Ngọt qua nhiều bài hit đình đám như Em dạo này, Chuyển kênh, Thấy chưa… nhưng ít ai biết, người nghệ sĩ Indie tài ba này lại chịu ảnh hưởng từ Nguyễn Tuấn và có mối quan hệ đặc biệt với anh.

Cách đây 8 năm, chính Nguyễn Tuấn là người đã giúp Thắng Ngọt có cơ hội đứng trên sân khấu lớn trong bước đầu sự nghiệp. Anh cũng truyền thụ cho Thắng nhiều ngón nghề chơi đàn, sáng tác… Vì vậy, Thắng luôn dành cho Nguyễn Tuấn sự trân quý, kính trọng và niềm ngưỡng mộ đặc biệt.

Thông thường, một nghệ sĩ Indie với cá tính mạnh thường ít khi hát nhạc của người khác. Đây là tính cá nhân cao trong âm nhạc, khi người nghệ sĩ không chấp nhận "chung đụng" màu sắc, cảm quan, cái nhìn nghệ thuật.

Nhưng trong đêm nhạc này, Thắng Ngọt lại hát tới tận 3 ca khúc của Nguyễn Tuấn mà không hát bài nào của mình, kể cả những bài hit quen thuộc. Đây là điều hiếm thấy, chỉ xuất hiện khi hai người nghệ sĩ có sự giao thoa về tâm hồn, thế giới nghệ thuật.

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 5.

Thắng Ngọt

Chỉ với một chiếc guitar quen thuộc và những ngón đàn giàu suy tư mang hơi hướm Rock, Thắng Ngọt đã dẫn dắt cảm xúc khán giả theo từng câu chuyện qua thế giới âm nhạc của Nguyễn Tuấn. Ở đó, người nghe cảm nhận được vạn vật sinh động, mọi sắc thái đời sống, cung bậc cảm xúc diễn ra qua lăng kính hiện sinh, từ ngây thơ, trong sáng, da diết yêu thương tới dữ dội, mãnh liệt, ai oán, đớn đau, tối tăm, mịt mù, cuộn trào giông bão, gai góc, sâu thẳm.

Nguyễn Tuấn có một cái tài đặc biệt là biến mọi thứ tưởng như không thơ lại thành thơ. Anh nhìn vạn vật đều thi vị, đưa mọi thứ từ góc sân ra khoảng trời. Tuấn Gà đưa cả cái chổi, chiếc bàn, con gà… vào âm nhạc nhưng lại vô cùng bay bổng. Bằng cách này, Nguyễn Tuấn đã tạo ra trường phái, thế giới âm nhạc của riêng mình, không ai bắt chước được.

Có lẽ vì vậy mà nhạc Tuấn Gà cũng nổi tiếng trức trắc về cả ca từ lẫn giai điệu, sáng tạo không biên giới, không đi theo bất cứ quy luật, lẽ thường nào. Nhiều ca sĩ dù kỹ thuật rất tốt nhưng không dám hát nhạc Tuấn Gà vì không biết phải xử lý thế nào cho đúng chất, đúng tinh thần bài hát.

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 6.

Thắng Ngọt không phải ca sĩ có kỹ thuật quá tốt nhưng lại là nghệ sĩ Indie có năng lực thiên phú trong việc thẩm thấu hồn điệu ca khúc, làm chủ giai điệu. Quan trọng hơn cả, Thắng hiểu được Tuấn, hiểu được thế giới quan, nhân sinh quan trong nhạc của Tuấn, dù cách biệt về thế hệ. Vì vậy, anh thể hiện được nhạc Tuấn Gà rất xuất sắc theo cách riêng của mình.

Trong đêm nhạc này, Thắng Ngọt đã khiến khán giả phải nổi da cà khi trình diễn ca khúc Áo cũ dây phơi với hơi hướm Blues Rock (dòng nhạc đầy tính tự sự, chiêm nghiệm và phản ánh xã hội). Từng cách nhả chữ, nhấn nhá, chạy tempo, gằn giọng, lên cao xuống thấp của Thắng đều biến hóa, thể hiện bản lĩnh nghệ sĩ Indie tài năng, tạo ra những cơn bão cảm xúc ma mị, cuộn trào. Nhiều khán giả còn tưởng như Nguyễn Tuấn đang nhập vào Thắng, nhất là khi tiếng huýt sao quen thuộc (đậm đặc thương hiệu Tuấn Gà) vang lên.

Bản thân Thắng cũng cho biết, anh đã hát nhạc Tuấn Gà từ khi mới bắt đầu sự nghiệp và muốn hát nó trong từng giai đoạn cuộc đời để cảm nhận sự thay đổi, trưởng thành của chính mình. Rõ ràng, nhạc Nguyễn Tuấn không phải thứ nhạc ăn xổi, nhất thời. Thứ nhạc suy tư, chiêm nghiệm, phản ánh xã hội sâu sắc này là nghệ thuật đích thực, sẽ còn sống mãi và được tái sinh qua từng nghệ sĩ thể hiện, dù người nhạc sĩ ấy đã qua đời. Đây là một kho tàng âm nhạc cần được khai phá và Thắng Ngọt là một trong những nghệ sĩ tiên phong. Thắng chia sẻ:

"Anh Tuấn mất đi mang theo hai giá trị lớn nhất, đó là cách anh Tuấn chơi đàn và cách anh thổi sáo. Đấy là hai điều mà chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại. Rất vui vì ngày hôm nay được đánh đàn ở đây để có thể bắt chước anh Tuấn, gợi nhớ lại những buổi nhậu cùng anh ấy".

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 7.

Bên cạnh phần nhạc trữ tình, da diết, Nguyễn Tuấn còn nổi bật bởi mảng nhạc xã hội, phản ánh chân thực cuộc sống và giàu giá trị nhân đạo, thương cảm dành cho mọi thân phận, kiếp người. Đó là những ca khúc viết về người bán hàng rong, anh lao công, người khiếm thị, cô gái bán hoa…

Ở mảng nhạc này, Nguyễn Tuấn trở nên gai góc, lập dị và thể hiện một bản ngã khá quyết liệt, mạnh mẽ, nên ca từ và giai điệu vô cùng trúc trắc, khó thể hiện. Nhưng khán giả vẫn được tận hưởng trọn vẹn tinh thần ca khúc qua tiếng hát trầm dày, nội lực của ca sĩ Minh Châu. Với quãng giọng cực rộng, có thể xuống trầm như giọng đàn ông và lên cao đầy bão tố, Minh Châu đã diễn đạt được các sắc thái cảm xúc của Nguyễn Tuấn trong phần âm nhạc xã hội qua các ca khúc như Gái bán than, Chiếc xe đòn...

Một nghệ sĩ dù có trái tim và cảm quan nghệ thuật rộng đến đâu thì đến cuối cùng vẫn hướng về gia đình. Gia đình là cội nguồn của tình yêu thương. Vì vậy phần cuối đêm nhạc được dành cho Trúc Linh, cô con gái của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn.

Thắng Ngọt: "Cách nhạc sĩ Nguyễn Tuấn đánh đàn và huýt sáo, chỉ có thể bắt chước, không thể tái tạo lại" - Ảnh 8.

Minh Châu

Lần đầu đứng trên sân khấu lớn, Trúc Linh không khỏi hồi hộp, nhưng vẫn thể hiện ca khúc Anh hùng vũ trụ dạt dào cảm xúc, tràn ngập sự tinh khôi, trong sáng, đưa người nghe vào vườn hoa ngát hương thơm. Sự hiện diện của Trúc Linh cũng chính là niềm tin về sức sống trong âm nhạc Tuấn Gà, triết lý mà người làm chương trình muốn bày tỏ: Không có cái chết chấm hết, cái chết sẽ là cội nguồn cho sự sống mới nảy sinh. Nguyễn Tuấn đã không còn nhưng di sản âm nhạc của anh vẫn còn mãi và sẽ được các thế hệ đàn em kế tục, tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.

Long Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ