(Tổ Quốc) - Nhạt nhòa hay ngoan ngoãn không làm nên trường phái. Và mỗi nghệ sĩ cũng cần có một bản ngã của riêng họ, Thanh Lam cũng vậy.
Thanh Lam được biết đến là một Diva lớn của nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại, đi tiên phong với nhiều cống hiến trong suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, nữ ca sĩ này cũng là hiện tượng gây tranh cãi trong nhiều năm trở lại đây vì sự thay đổi trong cách hát để nên kịch tính, giằng xé và cao trào hơn. Điều này khiến cô nhận về không ít ý kiến trái chiều. Cần nhìn nhận một cách đúng đắn về năng lực và giọng hát của Thanh Lam.
Giọng hát khổng lồ với âm sắc hiếm có cùng lối diễn đầy đam mê, nhựa sống
Ở miền Bắc cách đây hơn 30 năm, người ta thường chuộng các giọng nữ cao trữ tình, có khả năng hát đẹp theo thanh nhạc chính thống. Nhưng Thanh Lam không phải "chim sơn ca" hay "chim họa mi" theo thẩm mỹ truyền thống đó, cô mang đến một giọng hát trần tục và phồn thực hơn.
Đó là tiếng hát của Người đàn bà đam mê tình ái và khát khao cuộc sống. Chính giọng hát này đã đem tới một màu sắc riêng biệt cho nhạc Việt và góp phần thay đổi thẩm mỹ âm nhạc của khán giả.
Bẩm sinh Thanh Lam sở hữu giọng nữ trung trữ tình rất sâu và dày, có độ solid đậm đặc, phát triển mạnh mẽ trên quãng trung và trầm. Không những vậy, âm sắc của Thanh Lam còn rất đẹp, nó tròn trịa, đầy đặc và ấm áp, không thể chê vào đâu được.
Giới chuyên môn nhận định, hiếm ca sĩ châu Á nào có "độ khè" đặc biệt trong giọng hát như Thanh Lam. Bởi thế, chỉ cần Thanh Lam cất giọng lên đã đủ khiến chị nổi bật hơn mọi ca sĩ khác hát chung, chứ chưa cần phô diễn kĩ thuật.
Bằng giọng hát đặc biệt này, Thanh Lam đã vượt qua nhiều ca sĩ tài năng như Hồng Nhung, Ngọc Sơn, Thu Phương, Bằng Kiều, Y Moan, Thùy Dung… để trở thành ca sĩ duy nhất đoạt giải Lớn (trên cả giải nhất) trong cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991 với số điểm tuyệt đối.
Như vậy, ngay từ thưở ban đầu, Thanh Lam đã tự khẳng định vị thế số 1 của mình trong làng nhạc nhẹ Việt Nam.
Ngay từ những bản live ở giai đoạn đầu sự nghiệp, dù còn rất trẻ, nhưng Thanh Lam đã tỏ rõ được chất giọng đặc biệt có một không hai của mình, không kém cạnh bất cứ ca sĩ quốc tế nào và vượt trội hơn hẳn các thế hệ ca sĩ Việt sau này.
Dường như nhận thức rõ được thế mạnh này của mình, Thanh Lam không chạy theo quãng cao như nhiều ca sĩ khác. Dù có thể scream tới C5, D5 và đỉnh điểm tới Eb7 (kỉ lục note cao ở Việt Nam) nhưng Thanh Lam lại tập trung vào quãng trung trầm (F3 – B4) và phát triển mạnh mẽ nó bằng kĩ thuật cộng minh sở trường, biến cô thành cơn lốc sân khấu đúng cả nghĩa đen lẫn bóng.
Theo nghĩa đen, giọng hát Thanh Lam giống như một người khổng lồ, tích hợp giữa âm lượng lớn, trường hơi khỏe, cột hơi vững chãi và kĩ thuật cộng minh đỉnh cao để đạt tới độ rền sẵn sàng lấp đầy cả sân khấu.
Theo nghĩa bóng, Thanh Lam hơn người chính ở bản lãnh sân khấu mạnh mẽ. Cứ mỗi khi cô bước ra là cả không gian phải nghiêng mình cúi đầu trước thần thái Diva, quyền lực toát ra ở mình, từ ánh mắt long lanh sắc lạnh đến nụ cười sảng khoái vương giả.
Không phải ca sĩ nào cũng có được cái thần thái sang chảnh, gai góc mà vẫn đậm đà quyến rũ như thế.
Không những vậy, phong cách trình diễn của Thanh Lam lúc nào cũng hừng hực đam mê, ngồn ngộn nhựa sống. Từng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ của cô đều thở ra sự cháy bỏng, căng tràn. Chưa có nữ ca sĩ Việt Nam nào mỗi khi hát tới đoạn cao trào là lại ngửa toàn bộ cơ thể về phía sau để đưa cả khuôn mặt lên trời, dang rộng hai tay như muốn ôm cả sự sống rồi phát tiết ngùn ngụt qua giọng hát bão lửa của mình giống Thanh Lam.
Trong lối trình diễn này, Thanh Lam khá giống với Whitney Houston. Và có lẽ, cả Thanh Lam lẫn Whitney đều có chung một có chung một đặc điểm, dù hát về niềm vui hay nỗi buồn cũng không bao giờ bi lụy, mà vẫn luôn căng tràn đam mê, truyền lửa được tới người nghe để khiến họ phấn chấn hơn. Sự phấn chấn ấy, người ta gọi là đạt tới đẳng cấp tạo bão cảm xúc bằng giọng hát. Đó chính là cơn bão Thanh Lam tạo ra trên sân khấu, và cũng là nét chấm phá riêng trong trường phái mang tên mình.
Sự thay đổi cực điểm để tạo nên trường phái hát riêng
Thanh Lam của ngày xưa là một Thanh Lam đằm thắm, xứng đáng với danh xưng Nữ hoàng nhạc nhẹ. Trong từng câu hát đều ẩn chứa biết bao nỗi niềm, khắc khoải đa đoan của nhiều kiếp người, kiếp tình.
Từ thời hoàng kim, cô đã tự tạo nên những đặc trưng cho trường phái của mình bằng lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi "rên rỉ" để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.
Nói đến chữ "sâu" của cảm xúc, chắc chẳng mấy ai ở Việt Nam này đủ sâu và thẳm hơn Thanh Lam. Cô chơi đùa với từng con chữ trên từng phím nhạc mà vẫn đầy duyên dáng. Và điều đó đã khiến khán giả ngày ấy phải đội mưa đến nghe Thanh Lam hát.
Từ hồi rời Quốc Trung, Thanh Lam không còn dịu dàng, đằm thắm nữa. Giông bão cuộc đời đã khiến co trở nên mạnh mẽ và cuồng loạn hơn trong phong cách biểu diễn. Thanh Lam muốn tung ra tất cả những gì mình có để được cháy với đam mê của chính mình. Chị muốn hát như thể ngày mai sẽ không còn được hát nữa.
Chính điều này đã khiến nhiều người lên tiếng chỉ trích Thanh Lam là phá nát bài hát. Họ gọi cô là "nữ hoàng nhạc nặng"và không biết tiết chế.
Nhưng nếu tiết chế, để ý tới lời này ý nọ thì Thanh Lam đã không còn là mình. Bản năng và phô diễn mới là điều làm nên trường phái Lam, một nét riêng có trong âm nhạc. Ai đó cần sự tiết chế, nhẹ nhàng, mời nghe ca sĩ khác.
Trong nghệ thuật, mỗi trường phái có một tôn chỉ "cực đoan" riêng để duy trì sự sống còn của họ. Nhạt nhòa hay ngoan ngoãn không làm nên trường phái. Và mỗi nghệ sĩ cũng cần có một bản ngã của riêng họ, Thanh Lam cũng vậy.
Bản ngã của Thanh Lam là mạnh mẽ, cuồng nhiệt, đam mê, nó hợp với chất giọng nội lực của cô.
Một số khán giả không cảm thụ được vì họ quá quen với lối cũ, chứ không phải tại Thanh Lam. Ở Mỹ, những Patti Labelle, Aretha Franklin, Chaka Khan, Rachelle Farelle… vẫn thỏa sức thổi bay mọi thứ bằng sự phô diễn giọng hát của họ để trở thành tượng đài, nhưng tại Việt Nam lại quá mới mẻ. Là một nghệ sĩ, đẩy được cái tôi cùng mình đến cùng cực để đào sâu nghệ thuật mới là điều cốt lõi.
Bởi vậy, việc Thanh Lam rời Quốc Trung và đổi thay phong cách không phải dại như người ta nói, mà chỉ là dấu mốc để cô tô đậm hơn trường phái của mình với các dòng nhạc mới như dân gian đương đại, đẩy nó lên tới cực điểm.
Trong công cuộc khai phá những dòng nhạc mới, Thanh Lam từng được khen ngợi là nữ ca sĩ có kĩ thuật cộng minh tốt nhất nhạc nhẹ Việt Nam.
Dù lời khen đó không hẳn đã đúng, nhưng có lẽ, cô chính là người tiên phong cho việc sử dụng và sáng tạo lối hát cộng minh vào nhạc nhẹ Việt Nam, mở màn một lối hát mới - lối hát phô diễn giọng hát trên giọng ngực (thông qua cộng minh quãng trung), ở những khoảng âm to, dày, lớn cả về trường độ và cường độ, tràn đầy năng lượng.
Cách hát này giúp Thanh Lam thể hiện thành thần những ca khúc đòi hỏi tính sử thi, hùng tráng, với trường độ, âm lượng dồn dập của cả một dàn giao hưởng phía sau. Có lẽ, rất hiếm nữ ca sĩ nhạc nhẹ nào ở Việt Nam có thể làm được điều này.
Trường phái Lam còn nổi bật ở lối đãi chữ bè dài kéo ra ê a kèm theo những đổ hột rất nhẹ, nghe rất đam mê, rất "đàn bà" và phồn thực, cuồn cuộn nhựa sống.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa Thanh Lam lúc nào cũng phô diễn bất chấp tất cả. Mỗi khi song ca, cô rất tôn trọng bạn diễn, luôn bè phối rất tinh tế, nhịp nhàng để nâng mình, nâng bạn và nâng cả âm nhạc lên. Bởi thế, Thanh Lam thường xuyên được các nghệ sĩ mời song ca, vì họ thích sự hòa quyện ở Diva này.
Trường phái Thanh Lam ngày nay đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều ca sĩ tại Việt Nam, đặc biệt là về kĩ thuật và lối hát. Đó thực sự là một trường phái đích thực và duy nhất trong nhạc nhẹ Việt đương đại.