(Tổ Quốc) - Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết
Phát biểu thảo luận tại hội trường, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã chỉnh lý trình tại kỳ họp.
Nhất trí việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cho rằng rất cần thiết thành lập quỹ này, đại biểu Thích Đức Thiện cho biết, theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu… đây là niềm tự hào dân tộc, vừa là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã luôn chú trọng và có những chính sách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã phân bổ nguồn ngân sách cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp của các di tích. Các địa phương cũng đã dành nguồn lực của địa phương mình cho công tác phục hồi, tôn tạo các di tích, nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì.
Lấy dẫn chứng di tích Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam, đại biểu cho biết Đồng Dương Vihara có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ thứ IX đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và hiện nay đang trong tình trạng khẩn cấp ứng cứu. Không chỉ Phật viện Đồng Dương mà hiện nay còn có rất nhiều các di tích đang ở trong tình trạng như vậy, cần sự quan tâm và nguồn lực để khôi phục, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, phục vụ cho đời sống.
Do đó, theo đại biểu, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa rất cần thiết ra đời để thực hiện các yêu cầu cấp bách trong các trường hợp khẩn thiết như trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã nêu là để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa, nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Quỹ sẽ phát huy hiệu quả trong các trường hợp cụ thể như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm, di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc ở Việt Nam từ nước ngoài về nước, v.v...
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa. Có như vậy, quỹ mới huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho quỹ.
Đại biểu cho biết, ở một số quốc gia hiện nay đã thực thi việc miễn giảm các khoản thuế, phí cho những doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp cho các khoản phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa; mua, đưa di vật cổ vật, bảo vật quốc gia từ nước ngoài về nước trong chiến lược phục hưng cổ vật.
Thực tế trong thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm đã phát tâm đóng góp nguồn lực lớn cho công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa. Họ là những người không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn rất có tâm huyết trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.
Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Nên để việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở trung ương
Bày tỏ đồng tình rất cao đối với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lấy dẫn chứng trước ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu đã đến làng Trường Lưu của huyện Cam Lộc, Hà Tĩnh và đến thăm 3 di sản thế giới được dòng họ Nguyễn Huy lưu lại tại nhà của GS. Nguyễn Huy Mỹ.
"Tôi thấy dòng họ này đã lưu giữ một tài sản vô cùng quý giá của đất nước, 3 di sản được UNESCO ghi danh. Nhưng do điều kiện về cơ sở vật chất của gia đình một dòng họ còn rất hạn chế, có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc bảo quản những tài sản vô giá này.
Mặc dù vậy, nếu để sử dụng ngân sách để đầu tư vào chỗ này rất khó vì đây là gia đình, dòng họ mình đầu tư như thế nào? Cho nên, việc có một quỹ này để sử dụng vào trong những tình huống như này là cần thiết. Tôi đồng tình rất cao với việc thành lập quỹ Quỹ bảo tồn di sản văn hóa", đại biểu Trần Đình Gia chia sẻ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước, ngoài ngân sách chỉ có các cơ quan nhà nước quy định được lập, còn các tổ chức ngoài không được lập quỹ này.
Cùng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng nên để việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở trung ương, do Bộ VHTTDL quyết định thành lập và quản lý quỹ là phù hợp.