• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháo gỡ những rào cản, xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL

Văn hoá 05/02/2022 13:37

(Tổ Quốc) - Bộ VHTTDL đã và đang hoàn thiện Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030". Nhiều vấn đề được đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức của ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL là yêu cầu cấp thiết

Năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến". Và với chủ đề của năm công tác là "Môi trường văn hóa và công tác cán bộ", Bộ phải tập trung vào những công việc có tính chất xuyên suốt cơ bản, đó là phải kiến tạo một hệ sinh thái văn hóa ngay từ địa bàn khu dân cư, ngay từ trong cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng khác để góp phần thực hiện bằng được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

 Tháo gỡ những rào cản, xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL - Ảnh 1.

Bộ VHTTDL đã và đang hoàn thiện Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030"

Năm 2022 cũng là năm mà Bộ VHTTDL sẽ thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, sắp được Chính phủ ban hành. Vì vậy, phải tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết của Ban Cán sự ban hành về xây dựng đội ngũ văn hóa, thể thao và du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Theo đó có 3 điểm nhấn: Đánh giá cán bộ; Luân chuyển và điều động; Đào tạo và quy hoạch để chúng ta làm mới đội ngũ, lựa chọn những đồng chí xứng đáng để tập trung kiện toàn. Trong đó, có những việc phải làm trước mắt cho đội ngũ cán bộ làm về thể thao; có những việc phải làm lâu dài cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đó là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ban cán sự Đảng của Bộ VHTTDL cũng đã có nghị quyết xây dựng đội ngũ cán bộ, quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, đào tạo, quy hoạch. Tất cả các quan điểm, chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước và của ngành đều cho thấy việc xây dựng Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030" là rất cần thiết.

Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với xu thế phát triển khoa học- công nghệ, bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0 đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Hình thành một đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước tiếp cận ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới; có khả năng làm chủ và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến; sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, đạt được đỉnh cao nghệ thuật; đưa thể thao và du lịch phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 10.000 trí thức trong đó 3.000 làm việc tại các cơ quan trung ương và 7000 trí thức ở địa phương. Đến năm 2035, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 100 cử nhân, 120 thạc sĩ, 50 tiến sĩ. Ưu tiên đào tạo các ngành/chuyên ngành trong nước cho có khả năng đào tạo hoặc chất lượng chưa cao; chú trọng đào tạo các ngành phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Những giải pháp đáng chú ý của đề án: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ trí thức ngành VHTTDL; Nâng cao chất lượng công tác quản lý trí thức ngành VHTTDL; Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong ngành VHTTDL và đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức; Đảm bảo nguồn lực tài chính.

Sẽ có nhiều hình thức đào tạo gồm: đào tạo, bồi dưỡng toàn thời gian ở trong nước, đào tạo ở trong nước có thời gian thực tập ở nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng toàn thời gian ở nước ngoài. Sẽ có các trình độ đào tạo: Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Đào tạo trình độ đại học; Đào tạo trình độ thạc sĩ, Đào tạo trình độ tiến sĩ. Đề án cũng nêu ra các chỉ tiêu đào tạo hằng năm đối với từng chương trình đào tạo. Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước hoặc liên kết phối hợp đào tạo trong nước với nước ngoài khoảng 650 trí thức; Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài khoảng 120 trí thức...

 Tháo gỡ những rào cản, xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL - Ảnh 2.

Cần tháo gỡ những rào cản để thu hút lực lượng theo học ngành VHTTDL (ảnh minh họa)

Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, việc đào tạo nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết hiện nay, đặc biệt là với đội ngũ trí thức của nghệ thuật truyền thống. Bởi việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ trí thức của nghệ thuật truyền thống luôn gặp khó khăn, do hiện nay đa phần nghệ sĩ, diễn viên ở các loại hình như tuồng, xiếc, múa... đều phải được đào tạo mang tính đặc thù từ nhỏ và dĩ nhiên nếu tính theo cách thông thường thì họ chỉ có bằng trung cấp khi ra trường. Tốt nghiệp với bằng trung cấp rõ ràng là một rào cản trong việc thu hút nguồn nhân lực "đầu vào" và tiếp theo đó là hàng loạt những khó khăn do chế độ chính sách, nâng hạn, ngạch và cả việc bổ nhiệm những nghệ sĩ tài năng vào vai trò quản lý đơn vị.

"Hiện nay, diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng hoàn toàn chỉ có trình độ Trung cấp, không có đào tạo Đại học. Đối tượng kịch tác gia cũng rất ít được đào tạo Đại học. Họ rất thiệt thòi trong chính sách lương, bổ nhiệm vị trí quản lý… Với nghệ thuật cần phải có những quy định mang tính đặc thù cao mới nâng cao được trình độ và vị thế của trí thức ngành. Vì sao trong giai đoạn này chúng ta chưa có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao như trước là bởi lẽ, trước đây chúng ta có một đội ngũ tác giả, đạo diễn được nhà nước cử đi đào tạo chuyên sâu ở các nước có nền nghệ thuật phát triển như Liên Xô, Pháp, Trung Quốc..."- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng chỉ ra thực tế hiện nay, lực lượng nhạc công, diễn viên nhiều người là NSND, NSƯT nhưng chỉ hưởng mức lương hạng 4 vì không có bằng Đại học. "Nếu không nâng cao được trình độ đào tạo của nghệ sĩ Tuồng từ Trung cấp lên Đại học thì sẽ không thu hút được họ theo ngành"- ông Tuấn nhận định.

 Tháo gỡ những rào cản, xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL - Ảnh 3.

Ngành nghệ thuật có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, những nghệ nhân giỏi nghề nhưng vì không có bằng cấp nên không thể tham gia công tác đào tạo cũng như không được bổ nhiệm vào vai trò quản lý (ảnh minh họa)

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, ngành nghệ thuật có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, những nghệ nhân giỏi nghề nhưng vì không có bằng cấp nên không thể tham gia công tác đào tạo cũng như không được bổ nhiệm vào vai trò quản lý. Đây là điều vô cùng thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

Còn Đại diện Trường Đại học Văn hóa TP HCM cho rằng, lực lượng học sinh theo ngành văn hóa hiện nay rất ít. Học xong cơ hội tìm việc làm cũng khó khăn hơn các ngành đào tạo khác. Bên cạnh đó là cơ chế lương của đội ngũ nhân lực ngành văn hóa cũng không cao. Những điều này tác động lớn đến chất lượng đào tạo của ngành trong những năm qua.

Theo Nhà trường, các địa phương nên khảo sát, đánh giá thực trạng của nguồn nhân lực ở từng địa phương, thiếu, thừa ở lĩnh vực nào, chất lượng cao hay không. Từ đó có những định hướng đào tạo, thu hút nhân lực.

Những vấn đề trên theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, đó là những trở ngại đang cản trở việc thu hút tài năng trong lĩnh vực VHTTDL ở cả trung ương và địa phương. Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đến năm 2030" khi hoàn thiện phải bao phủ được mọi địa phương, mọi lĩnh vực. Sau khi Đề án được ban hành, sẽ có những đề án chi tiết hơn để triển khai ở từng lĩnh vực. Từ đó sẽ có cơ sở để nâng cao cả chất và lượng đội ngũ trí thức của ngành./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ